.

Người Đà Nẵng với ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945

.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc  Tuyên ngôn Độc lập do chính Người soạn thảo, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, và cũng là ngày ra mắt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có một người Đà Nẵng là Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến - xin nói thêm: Trong Chính phủ Lâm thời này chỉ có hai vị đại diện cho Việt Minh là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Căn cứ vào Giấy thông hành cấp cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến do Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn sao lục từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, có thể xác định ông rời Đà Nẵng - lúc đó đã mang tên Thái Phiên - ngày mồng 1 tháng 9 để ra thủ đô Hà Nội nhận trọng trách mới.

9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời Thành Thái Phiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. (ảnh tư liệu)
9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời Thành Thái Phiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. (ảnh tư liệu)

Trước khi kịp có mặt trên lễ đài quốc gia tại Quảng trường Ba Đình đúng vào thời khắc lịch sử mà ngay sau đó trở thành ngày Quốc khánh, Bộ trưởng Lê Văn Hiến vừa hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu chính quyền cách mạng ở quê hương mình.

Từ Quảng Ngãi trở về Đà Nẵng khuya 25 rạng ngày 26 tháng 8 năm 1945, ông Lê Văn Hiến cùng các đồng chí Mặt trận Việt Minh trong Ủy ban Khởi nghĩa quyết định lấy giờ phát tiếng còi tầm của Sở Bưu điện Tourane vào sáng 26 làm lệnh khởi nghĩa cho toàn thành phố, và thế là đúng 8 giờ, tiếng còi tầm rú lên, lập tức các lực lượng khởi nghĩa đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, 5.000 quân Nhật buộc phải án binh bất động.

Đốc lý Nguyễn Khoa Phong bị Ủy ban Khởi nghĩa quản chế, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên nóc Tòa Đốc lý - nay là trụ sở của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng - và nhiều công sở khác cũng như trên khắp các đường phố. Hai ngày sau, Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời Thành Thái Phiên tổ chức cuộc mít-tinh mừng thắng lợi tại Sân vận động Chi Lăng, có đến hai vạn người tham dự để nghe ông Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Mặt trận Việt Minh công bố các chính sách của Việt Minh và nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời Lê Văn Hiến giới thiệu các thành viên của ủy ban. Thành công của cuộc mít-tinh này là đóng góp của người Đà Nẵng vào thành công chung của Ngày Quốc khánh đầu tiên mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Không biết trong khoảng thời gian từ ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 cho đến ngày 20 tháng 12 năm 1946 - ngày thực dân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, người Đà Nẵng ở quê nhà có được xem trên báo hay nghe lại trên sóng phát thanh toàn văn Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình hay không - chắc là có người đọc báo Cứu Quốc nhưng không nhiều, nhưng tinh thần của Ngày Độc lập mồng 2 tháng 9 thì đã nhanh chóng và thực sự thấm sâu vào đông đảo các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng, và vì thế mà ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, người Đà Nẵng đã cùng đồng bào cả nước hăng hái thực hiện quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - cũng là quyết tâm của toàn dân tộc - từng được khẳng định hùng hồn trong Tuyên ngôn Độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Nằm ngay ở vĩ tuyến 16, Đà Nẵng trở thành một trong những địa điểm đổ bộ đầu tiên của quân đội Pháp nhằm “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Và một lần nữa đứng trên tuyến đầu Tổ quốc, người Đà Nẵng tiếp tục phát huy lòng dũng cảm và đức hy sinh của ông cha xưa trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm 1858, đã ngoan cường đánh địch, cầm chân quân thù tại phòng tuyến sông Cẩm Lệ, tại phòng tuyến Ngã tư Yên Khê và nhiều phòng tuyến khác trong nội thành.

Tuy nhiên do tương quan lực lượng không cân sức, Đà Nẵng đã sớm thất thủ, và phải trải qua gần ba mươi năm chiến tranh, đến trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975, lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của cách mạng miền Nam mới có thể tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng cũng như trên khắp các phố phường và trên nền trời xanh thẳm của quê hương.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 và Tuyên ngôn Độc lập không chỉ tiếp lửa cho người Đà Nẵng trong cuộc trường chinh giành lại độc lập tự do mà còn và quan trọng hơn là mang đến cho người Đà Nẵng tư cách công dân của một quốc gia dân chủ. Với tư cách công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người Đà Nẵng lần đầu tiên trong đời tiến hành bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I vào ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946 và bầu được một đại biểu duy nhất là ông Lê Dung, quê Quảng Bình - người thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng thành phố Đà Nẵng; và vào ngày 17 tháng 2 năm 1946 tiến hành bầu 25 Hội viên Hội đồng Nhân dân thành phố theo Sắc lệnh số 77 ngày 21 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó Hội đồng Nhân dân thành phố bầu Ủy ban Hành chính thành phố gồm Chủ tịch Trần Đình Tri và Phó Chủ tịch Võ Quảng.

Đó là về phương diện chính trị, còn về phương diện văn hóa, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 và Tuyên ngôn Độc lập đã tạo nên một môi trường văn hóa mới, tác động tích cực đến lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. Từ đây trong vốn ngôn ngữ thường nhật, người Đà Nẵng đã sử dụng khá phổ biến một số từ ngữ mà trước đó vẫn còn khá xa lạ không chỉ với dân thường như: phổ thông đầu phiếu, tổng tuyển cử, quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban hành chính, chủ tịch, cán bộ, bộ đội Cụ Hồ, tập thể… Thậm chí trong văn hóa ẩm thực đã xuất hiện cách ăn đũa hai đầu - một đầu dùng để gắp thức ăn chung trong mâm, một đầu để đưa thực ăn vào miệng - nhằm giữ vệ sinh khi ăn uống đông người, vì thế nên có câu: Phụ nữ ăn đũa hai đầu/ Lấy chồng bộ đội làm dâu Bác Hồ…

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, hằng năm người Đà Nẵng đều long trọng tổ chức ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 thật trọng thể ở nhiều quy mô khác nhau tùy theo năm lẻ, năm chẵn hoặc năm tròn. Một con đường mới mở khang trang hiện đại được người Đà Nẵng đặt tên là đường 2 Tháng 9 nối với đường Cách mạng Tháng Tám. Trên đường 2 Tháng 9, người Đà Nẵng đã xây dựng một quảng trường lớn với Đài Tưởng niệm những bậc tiền nhân có công với nước. Hầu hết các Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa người Quảng vừa ứng cử ở Quảng Nam-Đà Nẵng vừa ứng cử ở các tỉnh khác đã được đặt tên đường như Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Tống, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Lê Thị Xuyến, Hà Văn Tính, Trần Lê, Phạm Bằng, Nguyễn Thế Kỷ, Võ Sạ, Phan Thao, Trần Viện…

Một trong những công trình kiến trúc một trăm năm tuổi gắn liền với sự kiện ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 và Tuyên ngôn Độc lập là tòa nhà số 42 đường Bạch Đằng nhìn ra sông Hàn hơn bốn chục năm nay được người Đà Nẵng bảo quản, trùng tu và sử dụng làm trụ sở ủy ban nhân dân/hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố, góp phần làm cho Đà Nẵng trở thành một đô thị có ký ức. Hướng đến một đô thị có ký ức, người viết bài này mong rằng nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9, lá cờ Tổ quốc lại tung bay trên nóc trụ sở Hội đồng Nhân dân thành phố - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của địa phương…  

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.