Hình thành “rốn lũ” suốt mấy năm nay bởi nhiều công trình vây quanh, 40 hộ dân ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang luôn sống trong nơm nớp lo sợ ngập lụt.
40 hộ dân thôn Quan Nam 3 luôn nơm nớp lo sợ ngập lụt. |
“Nhìn trời mưa sốt cả ruột”
Gần hai ngày nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Đà Nẵng xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Trưa 12-9, chúng tôi có mặt tại thôn Quan Nam 3, những cơn mưa nặng hạt đổ xuống khiến cho người dân nơi đây không khỏi lo lắng. Bà Bùi Thị Hồng (75 tuổi) cho biết: “Nhìn trời mưa mà sốt cả ruột.
Nếu mưa kéo dài chỉ hai đến ba hôm thì toàn thôn biến thành biển nước. Nhiều năm nay, cứ vào mùa lụt là nước ngập mênh mông. Lụt nhỏ thì vào đến nền nhà, lớn thì ngập nửa chân cầu thang. Để bảo đảm an toàn, thấy nước dâng là tui khăn gói đi ở nơi khác, chứ không dám ở nhà. Nhiều người dân cũng muốn di dời nhưng việc đền bù chưa thỏa đáng nên mọi người chưa đi”, bà Hồng cho biết.
Mặc dù nhà ở cao hơn bà Hồng, nhưng bà Ngô Thị Khanh (57 tuổi) cũng không khỏi ám ảnh lũ lụt. “Mấy năm trước phía dưới chưa xây dựng đê, kè, nước còn thoát. Năm nay phía dưới xây, phía trên đổ xuống thì thôn Quan Nam 3 khác nào cái túi đựng nước. Nếu năm nay mưa lớn, khu vực này sẽ ngập sâu”, bà Khanh nói.
Là hộ dân nằm ngay “họng” thoát nước từ chiếc cầu mới xây dựng xong, bà Ngô Thị Mỹ khẳng định, trước đây khi các dự án chưa đổ đất thì những người dân thôn Quan Nam 3 đã bị ngập nước đầu tiên. Nay các dự án đổ đất, làm dang dở thì nguy cơ ngập nhanh và ngập sâu hơn những năm trước. “Nghe đâu chúng tôi được bố trí ở thôn Quan Nam 5, nhưng vì chưa đồng ý mức đền bù, cũng như việc bố trí đường xá nên chúng tôi chưa đi.
Người dân chúng tôi cũng mong đi khỏi khu vực này để yên tâm cuộc sống”, bà Mỹ nói. Theo bà con nơi đây, mưa lớn vài ngày là cả khu vực này phải đi ghe. Các phương tiện xe máy, hay trẻ con phải gửi ở xóm ngoài…
Triển khai phương án thoát lũ tạm thời
Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, tại địa bàn xã Hòa Liên có nhiều khu vực có nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là 40 hộ dân tại thôn Quan Nam 3 và khu vực Trường tiểu học Hòa Liên 2. 40 hộ dân còn lại ở thôn Quan Nam 3 đã được kiểm định, đền bù, nhưng do vướng mắc một số vấn đề nên vẫn chưa di dời kịp. Tuy nhiên đến năm sau, 40 hộ này sẽ di dời đến địa điểm mới.
Để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa, chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị thi công tiến hành khơi thông cống, dòng chảy để không bị ảnh hưởng ngập khi có lượng mưa vừa phải. Hiện các đơn vị thi công đang tiến hành nạo vét, bảo đảm khơi thông. Tuy nhiên, theo ông Tâm, đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải pháp căn cơ vẫn là các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Hiện tại, trên địa bàn xã Hòa Liên có 7 dự án đang thi công dang dở. Vào mùa mưa, việc triển khai các dự án này sẽ rất chậm. Theo chính quyền địa phương, như vậy, mùa mưa năm nay rất dễ xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Riêng đối với 40 hộ dân tại thôn Quan Nam 3, khi xảy ra lũ lớn, xã sẽ tiến hành di dời dân đến nơi an toàn, không để dân sống tại khu vực này và bảo đảm người dân không thiếu lương thực, thực phẩm.
Ông Tâm thông tin thêm, chiều 12-9, các đơn vị liên quan của thành phố, UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Liên cùng các chủ đầu tư các dự án trên địa bàn xã Hòa Liên sẽ họp để rà soát, tìm giải pháp khắc phục tình trạng lũ lụt, cũng như sạt lở đất trên địa bàn xã...
Bài và ảnh: AN NHIÊN