Theo thống kê mới được Bộ Công Thương công bố, mỗi năm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,6 tỷ USD.
Thời gian qua, không ít nông dân đã rơi vào cảnh mùa màng mất trắng, hay một vùng quê phải phiêu bạt tha hương kiếm ăn, lấy tiền trả nợ ngân hàng chỉ vì ruộng vườn hỏng hết do bón phải phân giả, phân kém chất lượng.
Một năm trước, anh Nguyễn Văn Thủy tại Đăk Nông bỏ 60 triệu mua phân NPK cao cấp để bón cây, thế nhưng cây không phát triển, mà có dấu hiệu còi cọc, thậm chí rụng lá. Anh Thủy tin rằng mình là một nạn nhân của phân bón giả. Bỏ bao công chăm bón, nay anh Thủy phải tự tay chặt bỏ vườn cà phê 4 năm tuổi.
Con số mới nhất mà Bộ Công Thương đã đưa ra cách đây khoảng một tháng: Mỗi năm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây thiệt hại cho nước ta khoảng 2,6 tỷ USD. Nghĩa là gần bằng 1/10 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Năm 2015, trên cả nước, cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 1.000 tấn phân bón giả.
Mới đây nhất, 20 tấn phân bón giả vừa bị bắt giữ tại tỉnh Lâm Đồng. Các đối tượng mua một số mặt hàng phân bón có uy tín, chia nhỏ, pha trộn với nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc, sau đó đóng bao thành thương hiệu riêng để bán kiếm lời.
Tại tỉnh Tây Ninh, năm ngoái, ngành nông nghiệp tỉnh này lấy 7 mẫu phân bón xét nghiệm, đã phát hiện 4 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Trung bình mỗi năm Quản lý thị trường cả nước bắt giữ đến hơn 3.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực phân bón hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đơn cử như ngành nông nghiệp, vốn am hiểu về nông nghiệp và gần gũi với bà con nông dân, lại chỉ được giao quản lý 10% tỷ lệ phân bón. Trong khi ngành Công Thương, được giao quản lý đến 90% lại không có chuyên môn về lĩnh vực này. Tất cả đang tạo ra những kẽ hở khiến nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành.
Theo VTV