.

Nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn: Phân luồng giao thông, thi công công trình

.

* Cuối tháng 2-2017, hoàn thành xây dựng hầm

Sau khi UBND thành phố phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn và phê duyệt bản vẽ thi công ở hạng mục phân luồng giao thông, ngày 31-8, Sở Giao thông vận tải thành phố cấp giấy phép thi công công trình với thời hạn từ ngày 5-9-2016 đến 20-2-2017.

Với cách tổ chức giao thông đồng mức như hiện nay nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: THANH SƠN
Với cách tổ chức giao thông đồng mức như hiện nay nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: THANH SƠN

Kinh phí đầu tư hơn 137 tỷ đồng

Theo quyết định của UBND thành phố, công trình nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn là công trình giao thông cấp III, dự án nhóm B; do UBND thành phố làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông công chính điều hành dự án, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 tư vấn và lập dự án. Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông vào nút, giảm tải cho tuyến đường Trần Phú, Lê Duẩn, cải tạo hạ tầng cơ sở phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tổng kinh phí 137,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về quy mô, đây là công trình giao thông khác mức, tốc độ thiết kế 60km/h; tổng chiều dài 256,2 mét, gồm phần đường hầm dài 40 mét, đường dẫn phía bắc dài 115 mét, đường dẫn phía nam dài 101,2 mét. Bề rộng cắt ngang tuyến 29 mét, trong đó vỉa hè mỗi bên 3 mét, đường gom mỗi bên rộng 7 mét và đường hầm ở giữa rộng 9 mét (phần dành cho xe chạy trong hầm 7,5 mét). Tĩnh không hầm 4 mét, dài 40 mét, mặt cắt ngang 8 mét, kết cấu bê-tông cốt thép, mặt đường hầm cấp cao A1. Thoát nước trong hầm được bố trí 2 bên hầm bằng mương chữ nhật dẫn nước về trạm bơm. Kết cấu trạm bơm và bể chứa gồm 3 bể chìm. Đường dẫn mỗi bên bằng bê-tông cốt thép 30MPa mặt cắt ngang 8 mét; kết cấu tường chắn bằng bê-tông cốt thép 30MPa, móng nông đặt trực tiếp trên nền. Đường gom mỗi bên rộng 7 mét+3 mét vỉa hè, mặt đường cấp cao A1, vỉa hè lát gạch terrazza kích thước 30x30cm, dọc theo chiều dài có bố trí mương thoát nước. Ngoài ra, còn có hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, đèn trang trí...

Sơ đồ thiết kế hầm chui nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn.
Sơ đồ thiết kế hầm chui nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn.

Từ đêm 6-9, phân luồng, điều tiết giao thông

Trên cơ sở phê duyệt hạng mục phân luồng giao thông thành phố, đại diện Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nhất Huy cho biết, từ 22 giờ ngày 6-9 tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông để tiến hành tập kết trang thiết bị thi công công trình. Việc tập kết vật liệu phục vụ cho công trình sẽ đi theo lộ trình từ các mỏ đất, đá trên quốc lộ 14B qua cầu vượt Hòa Cầm về đường Bạch Đằng – Trần Phú (phía trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố), sau đó rời công trình theo đường 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành - Lý Thánh Tông - Trục I Tây Bắc - ngã ba Huế về các mỏ đất, đá trên quốc lộ 14B. Việc đổ phế thải theo hướng từ Bạch Đằng - 3 Tháng 2- Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Sắc – Quốc lộ 1A - Hoàng Văn Thái.

Đặc biệt, sẽ phân luồng từ xa cho ô-tô không qua cầu Sông Hàn bằng cách đặt các biển chỉ dẫn từ phía đông cầu Sông Hàn, nút phía tây và phía đông cầu Rồng, nút Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ, nút Nguyễn Tất Thành - 3 Tháng 2, nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Về phân luồng giao thông khu vực nút sẽ thực hiện cấm ô-tô qua cầu cả hai hướng trong suốt quá trình thi công. Trong quá trình triển khai điều tiết giao thông từ xa, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trên một số tuyến đường, vì vậy các đơn vị thi công, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông bố trí lực lượng chốt trực hướng dẫn đảm bảo giao thông thông suốt. Lưu ý, với 2 nhánh đường Lê Lợi và Nguyễn Thị Minh Khai, có khả năng quá tải trong giờ cao điểm, vì vậy, phải tăng cường công tác hướng dẫn điều tiết các nhánh đường giao cắt với trục Lê Duẩn để giảm tải.

T.S

;
.
.
.
.
.