Sáng 12-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc phiên họp thứ ba.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 20-10-2016, Phiên họp thứ ba Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài từ ngày 12 đến 22-9. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến 6 vấn đề. Cụ thể là việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV; việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XIII (Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản); cho ý kiến về 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV…
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sửa đổi luật hiện hành theo hướng tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt... Ảnh: TTXVN |
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nêu rõ: Luật Đường sắt 2005 cùng các văn bản hướng dẫn bước đầu đã thể hiện tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, phân định rõ công tác quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải; bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đường sắt. Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sửa đổi luật hiện hành theo hướng tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đường sắt.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Đa số các ý kiến tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, so với các lĩnh vực giao thông khác, lĩnh vực giao thông vận tải phát triển chậm nhất và đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ nguyên nhân vì sao so với các lĩnh vực khác, cụ thể như hàng không phát triển rất nhanh, trong khi đường sắt lại chậm phát triển.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá rõ nguyên nhân yếu kém của ngành đường sắt, có phải do Luật Đường sắt 2005 chưa hoàn thiện hay do việc triển khai luật chưa tốt, các quy định của luật chưa đi vào cuộc sống. Từ việc đánh giá chính xác nguyên nhân mới giúp việc sửa đổi luật khắc phục triệt để những yếu kém trong thời gian qua.
TTXVN