Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (giai đoạn 2008-2020) đã đi qua được 2/3 chặng đường, thu được nhiều kết quả khả quan, song trước mắt vẫn còn lắm thách thức đòi hỏi các cấp chính quyền và các ngành phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Người dân tham gia dọn dẹp rác thải, khơi thông cống rãnh, bảo vệ môi trường. |
Nhiều “điểm nóng” được giải quyết
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, từ khi triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” đến nay, thành phố đã tập trung giải quyết triệt để 12/13 điểm nóng môi trường cấp bách như khu vực hồ Đầm Rong, các kênh Thuận Phước, hồ Đảo Xanh, trạm xử lý nước thải Hòa Cường; ô nhiễm khí thải do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép tại cụm công nghiệp Thanh Vinh, các khu công nghiệp Hòa Cầm, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn...
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, thành phố đã đầu tư xây dựng bờ kè đầu sông, cùng với đầu tư trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc nên giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm cũng như cảnh quan. Trước tháng 11 năm 2015, người dân Khánh Sơn thường xuyên chặn xe vì bãi rác ngày đêm bốc mùi hôi thối, dân rất bức xúc. Nhưng sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Công ty CP Môi trường đô thị đã tiến hành các giải pháp như hạ ta-luy, chôn lấp rác, phun chế phẩm đúng quy định, đầu tư bạt phủ toàn bộ bãi rác; đặc biệt là xây mới bể phốt thay thế bể phốt cũ cách xa khu dân cư.
Riêng “điểm nóng” tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ban hành phương án “Quản lý vệ sinh môi trường tại Khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang”. Trong phương án, các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan được giao trách nhiệm quản lý, chịu trách nhiệm và triển khai các giải pháp để hạn chế và ngăn ngừa ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành lập Tổ giám sát cộng đồng, bao gồm nhiều đơn vị cùng tham gia có nhiệm vụ thường xuyên giám sát, qua đó sẽ xử lý kịp thời các hành vi xả thải của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động vi phạm tại Âu thuyền và Cảng cá...
Cần đầu tư để đạt mục tiêu đề ra
Nhiều năm qua, thành phố tập trung đầu tư công tác bảo vệ môi trường và đã có những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ thu gom và xử lý 100% nước thải khu công nghiệp và đô thị, 75% chất thải rắn được xử lý tái chế, 25% lượng nước được tái chế… đòi hỏi thành phố cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn. Hiện tại, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp triển khai thu gom và xử lý tập trung tại 5 Trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên công nghệ xử lý của một số trạm đang xuống cấp, thêm vào đó tình trạng quá tải khu công nghiệp dẫn đến sốc tải. Để giải quyết căn bản vấn đề này, lãnh đạo Sở TN&MT thành phố cho biết, thành phố đang đề nghị doanh nghiệp kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải của đơn vị và tiến hành sửa chữa, xây dựng mới bảo đảm khí thải, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải ra môi trường. Đồng thời tiến hành tách riêng hoàn toàn nước mưa, nước thải, đấu nối toàn bộ nước thải của đơn vị về hệ thống xử lý tập trung, kết hợp xây dựng lại hố ga đấu nối bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Các chủ đầu tư tại các trạm xử lý nước thải đầu tư, nâng cấp nhà máy, kết hợp tăng cường nhân lực để vận hành. Cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, độc lập để giám sát quá trình xả thải...
Một vấn đề Đà Nẵng đang quan tâm giải quyết là các cửa xả tại bờ biển Đà Nẵng. Ông Mai Mã cho biết, thành phố đang nghiên cứu đầu tư làm hệ thống cống bao ven đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, đường kính 1,8m, khoan kích ngầm để thu gom nước thải các cửa xả. Mùa mưa sẽ thu gom từ những trận mưa đầu (lượng mưa khoảng 5mm) sau đó bơm về trạm vừa dự trữ vừa xử lý. Còn khi mưa lớn, có độ hòa tan tương đối thì vẫn cho ra biển. Đối với mùa hè thì sẽ thu gom toàn bộ. Riêng các cửa xả tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ không còn nước thải chưa qua xử lý xả thải ra biển. Một vấn đề nữa được thành phố quan tâm, thực hiện trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là vấn đề thu gom rác thải. Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hiện tại, việc thu gom rác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ, rác ở đô thị được thu gom 100%. Thành phố cũng đã triển khai đề án “Thu gom rác theo giờ” tại các quận, đồng thời thay đổi thời gian thu gom, tập trung chủ yếu vào ban đêm. Qua đánh giá sơ bộ, việc thu gom theo giờ đảm bảo mỹ quan đô thị, không phát sinh rác ra đường, ý thức người dân được nâng cao rõ rệt.
“Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là một chủ trương đã và đang đi vào thực tế. Để sớm hoàn thành mục tiêu chủ trương đề ra cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, chính quyền các cấp và quan trọng hơn là ý thức của từng người dân.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ