Chính trị - Xã hội

THƯ KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Về hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

09:07, 21/09/2016 (GMT+7)

Kể từ khi Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên được xuất bản, báo chí Việt Nam đã có hơn 150 năm lịch sử; và từ khi báo Thanh Niên ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam có truyền thống hơn 90 năm. Lịch sử báo chí là một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc, cần được lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học, được bảo quản lâu dài và khai thác có hiệu quả, để các hiện vật, tư liệu của quá khứ sẽ là niềm tự hào, tỏa sáng cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau; đồng thời là điểm đến hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm của những người nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Mỗi hiện vật, thước phim, tờ báo, tấm ảnh dù nhỏ nhất, đơn giản nhất liên quan đến nghề báo, người làm báo, phản ánh các sự kiện lịch sử phong phú của đất nước và dân tộc đều có giá trị lịch sử không thể thay thế. Nhưng các hiện vật đó hiện đang rải rác nhiều nơi, trong và ngoài nước và đang có nguy cơ mai một.

Ý thức được ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam và ngày 21-8-2014 Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn một năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về địa điểm, nhân sự và bước đầu đã khai thác, tiếp nhận các hiện vật, tài liệu. Đây là tình cảm, trách nhiệm của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo các nhiệm kỳ, cũng như của những người làm báo hôm nay đối với các thế hệ tiền bối và hậu thế. Công việc đó chỉ có thể hoàn thành khi có sự góp sức của toàn xã hội, của các cơ quan báo chí, trước hết là của các cấp hội, các nhà báo lão thành và gia đình, thân nhân các nhà báo quá cố.

Mỗi sự chậm trễ hoặc thờ ơ lúc này đều có thể khiến thêm một tờ báo quý bị thất lạc, thêm một bức ảnh giá trị bị hư hỏng, thêm một hiện vật mất dấu vết, thêm một nhân chứng ra đi… Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Lễ phát động hiến tặng hiện vật, tư liệu cho Bảo tàng ở khu vực các tỉnh phía Bắc và khu vực các tỉnh phía Nam tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã thu được những kết quả đáng khích lệ; sắp tới lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng sẽ tiếp tục được tổ chức tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Để sớm đưa Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hoạt động, thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, tôi kêu gọi toàn thể các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, các đồng nghiệp làm báo cả nước, gửi tặng bảo tàng những hiện vật, tư liệu mà quý vị đang lưu giữ, hoặc cung cấp thông tin để chúng tôi tiếp cận và có hình thức sao lưu phù hợp. Hãy cùng chúng tôi góp phần tái hiện những trang sử huy hoàng của báo chí nước nhà!

Mọi ý kiến đóng góp và hiện vật, tài liệu hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam xin được gửi về Hội Nhà báo Việt Nam hoặc Hội Nhà báo tỉnh, thành nơi gần nhất.

Xin trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của tất cả các đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào dành cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam!

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2016

Trân trọng,

THUẬN HỮU

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân


* Địa chỉ liên hệ: Ban Quản lý các dự án thành phần Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Ô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 0967960666 (đồng chí Trần Thị Kim Hoa) hoặc 0913234095 (đồng chí Tạ Việt Anh)
 

.