.

Thúc đẩy xu thế phát triển tích cực quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

.

Hơn 6 thập kỷ qua, quan hệ Việt-Trung tuy đã trải qua thăng trầm, nhưng đang duy trì xu thế phát triển tích cực.

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, từ ngày 10-15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hơn nữa xu thế phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung.

Ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu trong quan hệ Việt-Trung.

Hơn 6 thập kỷ qua, quan hệ Việt-Trung tuy đã trải qua thăng trầm, nhưng đang duy trì xu thế phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và liên tục củng cố khuôn khổ quan hệ hai nước. Việt Nam và Trung Quốc đã xác định phát triển quan hệ theo phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác lâu dài. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt – Trung đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu.

Từ đầu năm 2016 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế cải thiện và phát triển tích cực. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIV, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã gửi điện mừng tới Lãnh đạo cấp cao nước ta, khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng duy trì trao đổi chiến lược, đi sâu hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ Trung –Việt phát triển lành mạnh, ổn định.

Tại các cuộc gặp, phía Trung Quốc tiếp tục khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng tăng cường các lĩnh vực hợp tác thực chất, kiểm soát và giải quyết tốt bất đồng trên biển giữa hai nước. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, tư pháp. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng, năm 2015 đạt hơn 66 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc có 127 dự án đầu tư mới tại Việt Nam với tổng vốn đạt gần 538 triệu USD.

Về tình hình Biển Đông, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng về giải quyết thỏa đáng bất đồng, tranh chấp trên biển trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục duy trì đàm phán và hợp tác trên biển, đã hoàn thành khảo sát chung trên thực địa vùng biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, khởi động dự án hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực Châu thổ sông Hồng và châu thổ Trường Giang, tiến hành đàm phán Vòng 8 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp đòi hỏi cả hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh ấy, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc), là cơ hội để Việt Nam-Trung Quốc nói riêng, với các nước ASEAN nói chung chia sẻ, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại phát triển cùng có lợi.

Với chủ đề “Cùng xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, xây dựng khối vận mệnh chung Trung Quốc-ASEAN gắn bó hơn”, các hội chợ thương mại CAEXPO và CABIS năm nay cũng là dịp để ASEAN và Trung Quốc nhìn lại chặng đường hợp tác và kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Năm nay, Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội chợ với vai trò là “Quốc gia danh dự”. Dự kiến sẽ có hơn 130 doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm với 250 gian hàng quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN. Theo đánh giá, đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế ASEAN, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại với ASEAN và Trung Quốc.

Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Một điều chắc chắn, tương lai của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực đòi hỏi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.