.

Tìm hương trong ký ức

.

1. Quận Hải Châu có một tập hợp di sản văn hóa vật thể phong phú và độc đáo mà không một quận, huyện nào của Đà Nẵng có thể sánh được. Các cứ điểm phòng thủ đất nước xây dựng từ đầu triều Nguyễn, nhiều quận như Sơn Trà, Liên Chiểu cũng có, nhưng được xem là linh hồn của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm phương Tây năm Mậu Ngọ 1858 chính là thành Điện Hải nằm trên đất Hải Châu. Đây là thành cổ có gần 160 năm tuổi và là pháo đài quân sự duy nhất được xây dựng theo kiến trúc Vauban ở Đà Nẵng còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Thành Điện Hải không chỉ gắn với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Tri Phương mà còn gắn với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Công Trứ: năm 1840, tác giả Hàn nho phong vị phú được triều đình Huế cử vào thị sát khả năng phòng thủ của thành Điện Hải và thành An Hải, nhờ bản tường trình của ông, sức mạnh phòng thủ của Đà Nẵng đã được tăng cường. Thành Điện Hải được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16-11-1988 và gần đây con đường dẫn vào thành cũng được người Đà Nẵng đặt tên lại là đường Thành Điện Hải.

Một góc Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Cổ viện Chàm) được trùng tu vẫn giữ nguyên kiến trúc Chăm. 						       Ảnh: N.T
Một góc Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Cổ viện Chàm) được trùng tu vẫn giữ nguyên kiến trúc Chăm. Ảnh: N.T

2. Từ khi thành lập thành phố Tourane nhượng địa cho đến nay, địa bàn Hải Châu luôn được xem là tỉnh lỵ/trung tâm hành chính cấp tỉnh. Chính vì thế, ngay những năm đầu thế kỷ XX, Tòa Đốc lý Tourane (sau này là Trụ sở UBND cách mạng lâm thời thành Thái Phiên, Tòa Thị chính Đà Nẵng, Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng/UBND thành phố Đà Nẵng, Trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng) đã sớm được xây dựng trên đường Quai Courbet/Bạch Đằng nhìn thẳng ra sông Hàn với tư cách là trụ sở của bộ máy quyền lực đầu não ở địa phương. Sau năm 1975, tòa nhà số 42 Bạch Đằng được mở rộng về phía bắc nhưng phần mới phát sinh vẫn tuân thủ phong cách kiến trúc Pháp của cả tòa nhà. Nhân đề cập về trụ sở cơ quan hành chính, xin nói thêm rằng, trên địa bàn Hải Châu có trường hợp mở trường học ngay tại một trụ sở cơ quan hành chính: chỗ đang là Trường tiểu học Nguyễn Du ngày nay chính là huyện đường Hòa Vang ngày xưa. Mong sao nếu không có thêm trường hợp tương tự thì cũng không có thêm trường hợp ngược lại - tức là lấy trường học làm công đường.  

3. Trường học dành cho học sinh người Việt xưa nhất Đà Nẵng cũng nằm trên địa bàn Hải Châu - đó chính là Trường tiểu học Phù Đổng ở đường Yên Bái. Thành lập từ ngày 27-5-1890, ban đầu trường được mang tên École Franco- Annamite de Tourane/Trường Pháp-Việt Tourane, rồi École de plein d΄exercices de Tourane/Trường Toàn cấp Tourane và École des Garçons de Tourane/Trường Con Trai Tourane - nhà thơ Tố Hữu từng học chung lớp với nhà báo Đoàn Bá Từ ở Trường Con Trai Tourane. Sau năm 1945, trường có tên Trường tiểu học Đà Nẵng, đến năm 1955 đổi tên thành Trường Nữ tiểu học Đà Nẵng và từ năm 1975 đến nay mang tên Phù Đổng.

Tháng 9-1952, Trường trung học Phan Châu Trinh vừa được thành lập, mới chiêu sinh được một lớp đệ thất/lớp 6, cũng mượn tạm Trường tiểu học Đà Nẵng một phòng để dạy - học. Căn cứ vào ngày thành lập Trường tiểu học Phù Đổng - chỉ 2 năm sau khi Đà Nẵng trở thành Tourane, có thể nói quận Hải Châu đã sở hữu một công trình kiến trúc kiểu Pháp được xây dựng sớm nhất thời nhượng địa.

4. Di tích văn hóa vật thể Champa có nguồn gốc bản địa ngày càng phát lộ ở nhiều quận, huyện như Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ… Về phương diện này, Hải Châu có vẻ “thua chị kém em”, bởi xưa nay dường như chỉ có Giếng Bộng trên đường Trưng Nữ Vương được nhắc đến như là nơi người Chămpa xưa chuyên cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền nước ngoài ghé vào vịnh Đà Nẵng. Nhưng nói đến Hải Châu với văn hóa vật thể Chămpa, không thể không nhắc đến bộ sưu tập quý hiếm - có thể gọi là độc nhất vô nhị trên thế giới - các tác phẩm điêu khắc Chăm với nhiều phong cách nghệ thuật ở những niên đại khác nhau, được trưng bày hơn trăm năm qua tại Cổ viện Chàm/Le Musée Cham làng Nại Hiên Tây bên bờ sông Hàn. Điều đáng nói ở Cổ viện Chàm là bản thân cái tòa nhà có kiến trúc mô phỏng theo đường nét kiểu tháp Chàm, được xây dựng từ năm 1915, khánh thành đầu năm 1919, cũng là một di sản kiến trúc độc đáo có trên trăm năm tuổi. Trải qua mấy lần trùng tu mở rộng, tòa nhà đầu tiên vẫn được giữ nguyên, các tòa nhà phát sinh sau cũng được xây dựng theo phong cách kiến trúc của tòa nhà đầu tiên ấy. Ấn tượng về Cổ viện Chàm đối với Đà Nẵng lớn đến mức đường Trần Phú ngày nay ban đầu được đặt tên là Avenue du Musée/Phố Bảo tàng.  

5. Nói về cơ sở thờ tự của Phật giáo, Hải Châu không có những ngôi chùa cổ hàng mấy trăm năm tuổi như chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, bởi ngôi chùa lâu năm nhất của Hải Châu là chùa Phổ Đà cũng chỉ mới khởi dựng từ năm 1927. Hải Châu cũng không có những ngôi chùa có tượng Phật hoành tráng như chùa Quang Minh ở Liên Chiểu, chùa Linh Ứng ở Sơn Trà, hay chùa Linh Ứng ở Hòa Vang. Tuy nhiên, Hải Châu có một ngôi chùa mà không quận, huyện nào ở Đà Nẵng có được: chùa Tam Bảo trên đường Phan Châu Trinh. Đây là ngôi chùa duy nhất của Đà Nẵng thuộc phái Nam Tông/Tiểu Thừa, khác với các chùa khác đều thuộc phái Bắc Tông/Đại Thừa. Được xây dựng trong 10 năm, từ 1953-1963, chùa Tam Bảo có 5 tầng tháp, trong đó có 2 tầng là nơi lưu giữ một phần nhỏ xá lợi Phật. Trước chùa có 2 cây bồ đề là cây con của Bồ Đề Đạo Tràng/Boddha Gaya, tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Mái chùa Tam Bảo còn được thợ xây dựng Quảng Nam pha màu trước khi nung ngói, tạo nên mái ngói của 5 tầng tháp tương thích với 5 sắc màu của lá cờ Phật giáo: xanh đậm, vàng, đỏ, trắng và cam.

6. Nói về cơ sở thờ tự của Thiên Chúa giáo, Hải Châu có Nhà thờ Tourane có kiến trúc theo kiểu Gothique, là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng vào thời nhượng địa - trước đó chỉ có một nhà nguyện mà người Pháp xây trong khuôn viên thành Điện Hải. Tiến độ thi công Nhà thờ Tourane cũng rất khẩn trương, chỉ hơn một năm từ khi động thổ khởi công tháng 2-1923 cho đến lúc khánh thành tháng 3-1924, do nhà thầu người Hội An đảm nhiệm với sự tham gia của nhiều nhân công và nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Đến năm 1963, nhà thờ này chính thức được gọi là Nhà thờ giáo xứ Chánh tòa Đà Nẵng, nhưng xưa nay giáo dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Đà Nẵng nói chung vẫn quen gọi là Nhà thờ Con Gà, bởi trên nóc nhà thờ có biểu tượng con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt. Có hai cách giải thích về ý nghĩa con gà trên nóc nhà thờ: một cho rằng đây là chú gà trống Gaulois - biểu tượng quyền uy của nước Pháp, hai - có sức thuyết phục hơn - cho rằng đây là biểu tượng gắn liền với chuyện Thánh Pierre ghi trong Phúc âm nhắc nhở sự sám hối/thức tỉnh. Còn người dân Đà Nẵng chủ yếu xem con gà trên nóc nhà thờ như một đài dự báo thời tiết: con gà quay hướng nào thì gió thổi về hướng ấy, và từ đó có thể suy ra trời nắng trời mưa...

7. Sân vận động đầu tiên của Đà Nẵng - ban đầu có tên Sports-Touranais là tên đội bóng đá của Đà Nẵng lừng danh Trung Kỳ lúc bấy giờ, sau đó đổi tên thành Chi Lăng - được xây dựng trên địa bàn quận Hải Châu vào năm 1943, gần cầu Vồng - cũng là cây cầu vượt đầu tiên của Đà Nẵng. Chỉ hai năm sau ngày khánh thành và đi vào hoạt động, sân vận động này đã trở thành chứng nhân lịch sử. Tại nơi đây, vào sáng 28-8-1945, UBND cách mạng lâm thời Thành Thái Phiên tổ chức cuộc mít-tinh mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, có đến 20.000 người tham dự để nghe ông Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Mặt trận Việt Minh công bố các chính sách của Việt Minh và nghe Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Lê Văn Hiến giới thiệu các thành viên của Ủy ban (gần 30 năm sau, hai cuộc mít-tinh tương tự cũng được tổ chức tại nơi đây, một cuộc vào ngày mồng 7-4-1975 mừng giải phóng Đà Nẵng, một cuộc vào ngày 15-5-1975 mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước). Chính điều đó đang thôi thúc người Đà Nẵng nói chung, người Hải Châu nói riêng trên hành trình đi tìm giải pháp tối ưu để giữ lại bằng được Sân vận động Chi Lăng, tránh cho di sản văn hóa vật thể này một cuộc... chia ly không nên có!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.