Tôi biết đến Đà Nẵng từ những cái tên Cồn Mô, Thủy Tú, Nam Ô, Quang Châu, Nước Mặn, Hói Kiểng, Ngã Tư chợ Cống trước khi biết chợ Hàn, chợ Cồn và những tên phố phường nội thị. Ấy là lúc tôi mới ngoài mười tuổi.
Năm chục năm sau, có nhiều lần tôi chạy xe đi tìm lại những địa danh, những cảnh và người ở những nơi ấy và tôi đã đi lạc! Nhưng có một điều chắc chắn, tôi đã cùng Đà Nẵng đi qua những năm tháng...
Cùng với việc xây dựng, mở rộng sân bay Đà Nẵng từ những năm 1930, rồi 1962 và tốc độ đô thị hóa sau này, địa danh Cồn Mô không còn nữa. TRONG ẢNH: Sân bay Đà Nẵng xưa. (Ảnh tư liệu) |
Kỳ 1: Cồn Mô, Thủy Tú từ ký ức
Tôi biết đến Cẩm Lệ và Thủy Tú từ chuyện kể trong gia tộc với nghề trồng thuốc lá và lấy vỏ cây chay, và nay ở hai nơi đó vẫn còn nhiều người có gốc gác ở Điện Bàn đã định cư ở đây khoảng 5-7 đời do đã đến đây trồng thuốc lá...
Cồn Mô... mô rồi!
Sử sách còn ghi rõ, Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt Trung, phủ Diên Phước, huyện Điện Bàn. Sử liệu đời nhà Nguyễn ghi rằng trong số 26 xã thuộc tổng Thanh Quýt Trung có cả hai xã Cẩm Lệ và Phong Lệ... Cẩm Lệ và Phong Lệ xưa giờ thuộc phía nam sân bay Đà Nẵng, nhưng trước đây một phần lớn đất Cẩm Lệ nằm trong khu vực sân bay Đà Nẵng mở rộng, trong đó có đất Cồn Mô hay Gò Mô nổi tiếng với loại cây chay mọc thành rừng và cây thuốc lá Cẩm Lệ...
Ông nội tôi, từ trước 1945, hằng ngày vẫn đi bộ, gánh tre ra Đà Nẵng bán cho khách hàng làm nhà cùng nhiều đồ đan lát bằng tre khác. Khi về, ông thường đến Cồn Mô lấy vỏ cây chay gánh về cho bà nội tôi bán trầu cau.
Vỏ chay Cồn Mô nổi tiếng vì làm cho miếng trầu đỏ thắm nên khách hàng rất chuộng. Làng tôi hiện có nhiều gia đình tộc Nguyễn Văn ra Cồn Mô làm thuốc lá cách nay khoảng 5-7 đời rồi ở lại cho đến ngày nay, trở thành “dân Đà Nẵng”. Đất Cồn Mô là đất cát pha thích hợp với cây thuốc lá, nhất là giống thuốc lá có tên Ba Viên hay Bông Viên do các cụ tiền hiền làng Thanh Quýt mang vào từ Nghệ An, có hương vị đậm, thơm và đòi hỏi kỹ thuật thâm canh kỹ lưỡng hơn những nơi khác.
Chính trên đất Cồn Mô, giống thuốc này cho hương thơm, tàn trắng và đượm khói thích hợp với việc chế biến thuốc xắt, cuốn với giấy quyến bán ra thị trường kinh đô Huế thời phong kiến... Chính cái tên đất Cồn Mô thuộc xã Cẩm Lệ đó đã tạo ra thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ kéo dài cho đến ngày nay...
Các gia đình tộc Lê Văn, Nguyễn Văn từ khu vực bắc Điện Bàn trồng thuốc lá ở Cồn Mô rồi định cư tại đây cho đến bấy giờ. Con cháu họ bây giờ đã chuyển sang làm các nghề thủ công nổi tiếng, như bún Liệu, bún Nhàn ở khu vực Hòa Thuận hay nghệ nhân cây kiểng Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Quý ở Hòa Cường. Họ vẫn kể, trước đây mấy chục năm, ông cha họ vẫn còn trồng thuốc lá theo kiểu Thanh Quýt, như gia đình cụ Giáo Cơ ở ngã Năm, để bán cho những nhà chế biến ở Đà Nẵng, bán vào tận Nha Trang, Ban Mê Thuột hoặc ra Huế và Quảng Trị, Đông Hà...
Cùng với việc xây dựng và mở rộng sân bay Đà Nẵng từ những năm 1930, rồi 1962 và tốc độ đô thị hóa sau này, địa danh Cồn Mô đã không còn nữa đã cuốn theo một nghề trồng và chế biến thuốc lá nổi tiếng. Nhưng cái tên Cẩm Lệ đã làm vang danh Đà Nẵng ra cả miền Nam một thời gian không ngắn!
Thủy Tú và những huyền thoại
Có lẽ từ năm 1930, khi Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng, đất Cồn Mô bị thu hẹp dần nên người dân làng tôi đã đi tìm đất mới, có cát pha tương tự như Cồn Mô để trồng thuốc lá chăng? Nếu đúng vậy thì cụ nội thúc bá nhà tộc Trương của tôi ra lấy vợ và định cư ở làng Thủy Tú rồi sinh con đẻ cái cho đến ngày nay là một trường hợp điển hình. Đã ba đời nay, những thành viên của chi tộc tôi vẫn từ làng Thủy Tú quay về mỗi dịp tảo mộ, Tết cổ truyền là vậy.
Chú em Trương Công Lành của tôi nay là một lương y ở Hòa Hiệp Nam, con trai chú là một cán bộ trẻ làm việc ở quận Liên Chiểu là hậu duệ đời thứ ba và bốn của những người Thanh Quýt đến Thủy Tú hồi xưa...
Nối tiếp các cụ xưa, đến những năm 60, 70 của thế kỷ 20, nhiều nông dân bắc Điện Bàn đã tiếp bước đến vùng Thủy Tú để thuê đất trồng thuốc lá Cẩm Lệ để cung ứng cho thị trường...
Nhờ những mối quan hệ đó, tôi đã có những lần đến Thủy Tú, Nam Ô để biết thêm hành cung Trường Định của các chúa Nguyễn, biết những hầm vàng do người Pháp khai thác, giếng vuông của người Chăm, đền thờ Bà Chúa Ngọc và những chuyện kể về cái chết của vị tướng theo phò Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa trên đường ra bắc đã dừng chân ở đây trong mùa gió chướng vì ngại “sóng thần hang Dơi” ngày ấy…
Còn biết thêm những giai thoại về bắt cọp, kỹ năng của nghề làm nước mắm nhĩ nổi tiếng Nam Ô, rồi bây giờ là món gỏi cá hấp dẫn và những dự án du lịch trên sông Cu Đê, mấy khu nghỉ dưỡng đang được đầu tư...
Tất cả, như để chuẩn bị cho cả phần cứng và phần mềm để tạo ra một tuyến du lịch mới, nối liền với các làng dân tộc Cơtu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí ở thượng nguồn Cu Đê và Hải Vân - Đệ nhất hùng quan ở phía bắc trong chương trình phát triển khu đô thị tây bắc Đà Nẵng (Nam Ô - Thủy Tú) và quận công nghiệp-du lịch Liên Chiểu nay mai...
Liệu rồi những huyền thoại có còn tiếp tục!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG