Chính trị - Xã hội

Tôi đã cùng Đà Nẵng...

Kỳ 2: Nghề nuôi vịt

08:19, 20/09/2016 (GMT+7)

Sau nghề làm thuốc lá mang thương hiệu Cẩm Lệ của người Điện Bàn, tôi lại được biết đến những địa danh Nam Ô, Quang Châu, Hói Kiểng, Nước Mặn từ một nghề khác mà ông cụ thân sinh tôi đóng một trong những nhân vật chủ chốt: Nghề nuôi vịt.

Trước đây, rất nhiều vịt đã được thả tại ngã ba sông Cẩm Lệ này.
Trước đây, rất nhiều vịt đã được thả tại ngã ba sông Cẩm Lệ này.

Nghề nuôi và ấp vịt ở Đà Nẵng

Vào những năm 60-70 thế kỷ 20, tôi biết ở Đà Nẵng có một lò vịt nổi tiếng của bác Phi ở phía sau nhà thương thí (bây giờ là Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng). Bác ấy là người gốc Huế vào mở lò ấp trứng trong khu nhà trong hẻm đi từ đường Ngô Gia Tự vào. Lò vịt chuyên ấp trứng để lấy con giống cung cấp cho người chăn nuôi ở khắp ngoại vi Đà Nẵng và Quảng Nam. Trứng nào không tốt, đến khoảng 16-18 ngày được lựa và loại ra để bán hột vịt lộn. Đêm đêm, nhìn những người phụ nữ cặp nách mủng trứng, tay xách cái đèn dầu lửa và rao “hột... vịt... lộn... đây...”, tức thị chắc chắn rằng đó là những “bạn hàng” của lò vịt bác Phi!

Ở Đà Nẵng lúc đó, có hai người nuôi vịt bầy lấy trứng là bác Sanh, người công giáo ở làng Cồn Dầu và chú Hoa ở làng Trung Lương gần đó, nay thuộc quận Cẩm Lệ. Tôi không biết chắc, nhưng có lẽ họ là những người cung cấp trứng giống cho lò bác Phi. Tôi không nhớ rõ chú Hoa vì ít tiếp xúc, nhưng bác Sanh thì rất ấn tượng. Bao giờ ông cũng mặc một bộ đồ giống kiểu pyama đã ngả màu, mang dép và cởi chiếc xe đạp. Miệng luôn ăn trầu. Từ nghề nuôi vịt, ông có gia sản khấm khá và nghe đâu những người con ông sau này đều học hành và trở nên khá giả...

Nhưng đó là câu chuyện khác. Hãy trở lại nghề nuôi vịt đàn lấy trứng ở Đà Nẵng. Ngày ấy, quanh Đà Nẵng là những bến sông rất nhiều hến và tép cùng những cánh đồng lúa thuộc Hòa Vang như Quang Châu, Quá Giáng, Trung Lương, Cồn Dầu... mỗi năm làm hai vụ tháng Ba và tháng Tám. Khi lúa gặt xong thì đuổi vịt lên thả ăn trên những cánh đồng mà chủ vịt phải “đấu giá lạc túc” với chính quyền địa phương. Khi lúa cấy, lại đuổi vịt về thả những bến sông để chúng lặn hến, bắt tép. Đến mùa lụt, vịt đang lên đồng lại đưa về mấy nỗng cát ven sông vùng Nước Mặn, Hói Kiểng và cho ăn lúa, bắp để giữ sức, vì thường lúc đó các chủ nuôi đã xả sau một mùa đẻ... Các chủ lò vào thời kỳ này thường rót vốn hoặc cung cấp lúa, bắp để đầu tư cho chủ nuôi, họ có mối quan hệ làm ăn rất thủy chung và tín cẩn!

Tôi có may mắn theo những đàn vịt di chuyển từ đồng xuống các bến sông vào những kỳ nghỉ hè. Thỏa thích bơi lặn, chèo ghe trên sông nước Đà Nẵng và đi nhặt trứng trên bãi do những chú vịt đẻ muộn, lấy tiền mua sách vở...

Đô thị chuyển đổi, nghề nghiệp chuyển theo...   

Từ năm 1965, khi chiến tranh tràn lan các vùng nông thôn, hai chủ lò là ông Xương và ông Hòa từ Điện Bàn dọn ra hành nghề tại Đà Nẵng. Đây là hai chủ lò kỳ cựu, trong đó có lò ông Hòa nguyên là “đệ tử” được bác Phi truyền nghề. Hai người này không những ấp trứng lộn, vịt con giống mà còn là chủ của những đàn vịt đẻ nhiều ngàn con, đấu giá nhiều cánh đồng ở vùng ven đô và các bến sông từ Đò Xu đến Nước Mặn, Hói Kiểng và ra tận bãi Thanh Bình...

Họ hành nghề thêm hơn 20 năm nữa sau 1975, trước khi truyền lại cho các con, cháu. Trong những năm hòa bình, thương hiệu trứng vịt lộn từ Đà Nẵng có lúc đã theo những chuyến bay sang tận các tỉnh bên Lào. Nhưng những cánh đồng làm lúa 3 vụ do các hợp tác xã quản lý, những bến bãi ven sông ngày càng thu hẹp và cạn dần ốc, hến. Nuôi vịt đẻ vì vậy phải mua lương thực giá cao, đội giá thành. Nghề ấp vịt con giống ở Đà Nẵng phá sản vì phải mua trứng ở các tỉnh khu 4, Bình Định, Quảng Ngãi không bảo đảm chất lượng. Đa số những chủ lò chuyển dần sang thu mua và phân phối các loại trứng tươi, trứng cút, trứng gà, trứng vịt lộn từ các vùng nông thôn xa chuyển về... Và con cháu họ dần trở thành những nhà phân phối lớn khi đất nước bước vào kinh tế thị trường...

Đô thị hóa mạnh mẽ ở Đà Nẵng đã đẩy hẳn việc nuôi đến các trang trại xa vùng nông thôn, miền núi, mà lại không còn giống vịt ta béo ngậy từ xưa. Đà Nẵng lớn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, phát triển nhanh chóng về không gian và trở thành trung tâm thương mại dịch vụ đầu tàu của toàn khu vực. Các ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi vịt mặc nhiên được “bàn giao” cho các địa phương khác và Đà Nẵng lại là một thị trường tiêu thụ các loại trứng gia cầm rộng lớn như một xu thế tất yếu...

Thế nhưng, với tôi, nhiều đêm bây giờ vẫn sống với những Hói Kiểng, Nước Mặn, Đò Xu, Nam Ô... sông nước hay những cánh đồng Quang Châu, Tứ Câu, Cồn Dầu, ngã tư Chợ Cống trong những giấc mơ thời niên thiếu. Để sáng ra, chợt giật mình, đã có một thành phố lột xác bên sông Hàn sau nửa thế kỷ mà tôi yêu mến!

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.