Những cơn mưa dai dẳng trong những ngày qua không làm mùa Trung thu năm nay kém phần sôi động. Không khí rộn ràng len vào những con đường, góc phố... Trung thu không chỉ là ngày Tết của trẻ em mà đã trở thành ngày Tết của cộng đồng - Tết của sự sẻ chia và tình yêu thương.
Những cơn mưa dai dẳng trong những ngày qua không làm mùa Trung thu năm nay kém phần sôi động. Không khí rộn ràng len vào những con đường, góc phố…
Bệnh nhi ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi đón Trung thu 2016. Ảnh: PHAN CHUNG |
Rộn ràng những con phố
Từ tối 9-9, tức còn 6 ngày nữa mới đến Trung thu nhưng cả dãy phố tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) rộn rã tiếng trống do một đội lân của phường biểu diễn. Hơn chục đứa trẻ khoảng lớp 8, lớp 9 với quần áo lân vàng đỏ, nhịp nhàng trình diễn “ăn khớp” theo từng nhịp trống. Con lân vừa đặt chân lên bục cao nhất của giàn, cách mặt đất chừng 3 mét thì hàng trăm người vỗ tay vang dội, hò hét. Trong đám đông ấy, ngoài trẻ em còn có những khuôn mặt sạm đi vì sương gió của chị vé số, anh xe ôm… Em Thiện, học sinh lớp 9, trưởng đội lân cười bẽn lẽn: “Cả tháng tập luyện chỉ được múa mấy ngày thì tiếc lắm nên năm ni bọn con quyết định múa sớm. Bọn con đi múa ngoài đường chủ yếu để góp vui”.
Ở các khu dân cư, các đội lân nhí “lên ngôi” với toàn thành viên chưa qua độ tuổi tiểu học. Mỗi bé “góp gạo thổi cơm chung” bằng chiếc lân nho nhỏ, cái trống tí tẹo và ông địa ngộ nghĩnh. Bé Ben (8 tuổi), con chị Trần Thanh Thủy (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), tỏ ra tự hào vì được tổ dân phố “mời” đội lân của mình diễn tại đêm Trung thu. Dù phần thưởng cho phần trình diễn ấy chỉ là số tiền nhỏ nhưng cũng đủ khiến các bé mừng rơn. Đội lân nhí còn được các gia đình trong tổ rộng cửa đón chào với phần quà là những gói bánh, gói kẹo hay 5.000-10.000 đồng động viên. Trẻ nhỏ thích thú, còn người lớn như được sống lại không khí rộn ràng “thùng thình, thùng thình nghe rộn ràng ngoài đình” của những ngày Trung thu thuở nào. Chị Thủy chia sẻ: “Chỉ mong những đêm Trung thu như thế này là “tài sản” khi con lớn lên”.
Còn với trẻ em Làng Vân (tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Tết Trung thu thật rộn ràng khi có sự hiện diện của các anh, chị đến từ Đoàn khối doanh nghiệp thành phố và Quận Đoàn Liên Chiểu. “Trẻ em ở đây còn nhiều khó khăn nên chúng tôi cố gắng vận động các doanh nghiệp để các em có một mùa Trung thu thật vui…”, chị Huỳnh Thị Phương Giang, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp bộc bạch.
Trẻ em là nạn nhân chất độc da cam hào hứng đón Trung thu. ảnh: BÌNH AN |
Ấm áp sự sẻ chia
Ngày thường đã bận, Trung thu càng khiến bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng tất bật hơn khi liên tục tiếp hết đoàn này đến tổ chức khác đến thăm và tặng quà cho các em da cam, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. “Rất nhiều đoàn đã đến thăm và tặng quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Sự sẻ chia là niềm động viên rất lớn đối với các em và những người làm công tác như chúng tôi cũng thấy vui hơn”, bà Hiền nói.
Trung thu năm nào trẻ em Làng Hy vọng cũng đầy ắp tiếng cười khi có sự sẻ chia từ những người bạn, người cô, người chú lần đầu tiên đến Làng hay từ những anh, chị đã quen thuộc. Gắn bó với Làng tròn 5 năm, em Vũ Hoàng Duy, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Trung thu ở Làng vui hơn ở nhà…”. Việc thiếu thốn tình thương của cha không làm Duy buồn tủi. Ngược lại, Duy cười đùa, chạy nhảy và lạc quan với ước mơ trở thành phi công để chở các bạn, các em ở Làng đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, những bệnh nhi đang điều trị cũng được đón Tết Trung thu sớm. Trong khán phòng ấm cúng, rực rỡ hoa và bóng bay, các em được trao đèn lồng và thưởng thức những tiết mục văn nghệ. Bệnh viện phối hợp với các nhà hảo tâm dành tặng hơn 2.000 suất quà với tổng trị giá hơn 268 triệu đồng cho các em. Các phần quà bao gồm: bánh kẹo, đồ chơi, sữa và tiền mặt.
Không chỉ tại các quận trung tâm, ở những địa phương vùng xa cũng quan tâm tổ chức cho các em có một mùa Trung thu ý nghĩa. Tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở thành phố, dịp Tết Trung thu, hầu hết các em nhỏ đều háo hức, phấn khởi vì được xem múa lân, phá cỗ, rước đèn, nhận quà…
Nhưng ở đây, vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi phải vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quà, bánh cho các em”. Năm nào cũng vậy, ngoài vận động từ các mạnh thường quân, chính quyền xã đều trích ngân sách cho mỗi thôn 500.000 đồng để trưởng thôn mua quà tặng các em nhỏ. Ông Hải cho biết, địa phương còn tổ chức các hoạt động vui chơi, rước đèn, phá cỗ... để giúp các em biết về ngày Tết đặc biệt của thiếu nhi.
Giờ đây, Trung thu không chỉ là ngày Tết của trẻ em mà đã trở thành ngày Tết của cộng đồng - Tết của sự sẻ chia và tình yêu thương.
B.AN - D.ANH - P.CHUNG