.

Ứng phó áp thấp nhiệt đới: Đà Nẵng cấm tàu thuyền ra khơi

.

ĐNĐT – Trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão số 4, trưa 12-9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành phố Đà Nẵng vừa ra Công điện số 16 gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)
Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Theo đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành phố Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng thống báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của áp thấp  nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn; yêu cầu phải liên lạc được với tất cả các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện đang hoạt động trong khu vực Bắc Hoàng Sa, Tây Hoàng Sa, vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, ven bờ Đà Nẵng và Bình Định.

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và báo cáo tình hình về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Trước đó, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 21/CĐ gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận về công tác chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Trong khi đó, sáng ngày 12-9, Chi cục phòng, chống thiên tai Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, đến sáng cùng ngày lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh miền Trung đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 7.092 tàu/45.853 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, trong đó: Khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng: 221 tàu/2.587 lao động; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang: 1.924 tàu/14.547 lao động; khu vực quần đảo Hoàng Sa: 20 tàu/140 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa – Trường Sa: 308 tàu/2.156 lao động; khu vực quần đảo Trường Sa: 287 tàu/2.050 lao động; neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày: 4.332 tàu/24.373 lao động…

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 12-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

 Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngoài ra, từ hôm nay (12-9) đến khoảng ngày 14-9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

 Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12-9) đến ngày 14-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.