Chính trị - Xã hội

Vài ý nghĩ về Cách mạng Tháng Tám

07:09, 02/09/2016 (GMT+7)

Cách đây 12 năm (2004), vào những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, cụ Nguyễn Hiểu, sinh năm 1926, quê quán làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã  Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) mang đến tặng cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng một quyển vở học sinh, trong đó cụ cẩn thận ghi chép nhiều tư liệu về Cách mạng Tháng Tám 1945. Bài “Vài ý nghĩ về Cách mạng Tháng Tám”(*) của Nguyễn Văn Nguyễn viết từ năm 1950 được cụ Nguyễn Hiểu chép lại cẩn thận. Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và  Quốc khánh 2-9, Báo Đà Nẵng xin đăng lại bài viết ngắn nhưng  chỉ ra đầy đủ ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhân dân vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ, tháng 8 năm 1945.
Nhân dân vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ, tháng 8 năm 1945.

Tháng Tám trời mạnh Thu.

Cách đây năm năm, dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị.
Chiến tranh vừa chấm dứt. Nhân loại thở hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây, đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân.

Ấy là Cách mạng Tháng Tám!

Nghệ sĩ biết, người thợ biết, bà mẹ biết: tác phẩm càng vĩ đại thì đau khổ, hy sinh càng nhiều. Sanh một con người phải chín tháng mang nặng, một cuộc đẻ đau và ba năm bú mớm. Làm một cuộc cách mạng phải mấy thế hệ mang nặng, mấy cuộc đẻ đau và mấy mươi năm nuôi dưỡng. Từ lâu và từ lâu, ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ.

Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hòa lẫn với đất trời Việt Nam. Người xây dựng một xã hội hạnh phúc, tự do và độc lập cho Việt Nam. Ngang qua họ, từ lâu và từ lâu, Cách mạng Tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân. Mỗi một làn sóng ụp vào kẻ thù là một bài học. Làn sóng trước tan vỡ thì tiếp theo làn sóng sau. Thủy triều dâng lên mãi. Xiềng xích trói buộc loài người nhất định phải bị bứt nhiều chỗ.

Hai triệu quân chủ lực của Nhật Bản bị Hồng quân tiêu diệt ở Sơn Đông. Dây xiềng xích bị bứt ở Việt Nam, ở Đông Dương và ở Đông Nam Á.

Đảng của Nguyễn Ái Quốc ra mắt công khai lần đầu tiên với nhân dân. Làn sóng người đi làm Cách mạng Tháng Tám dưới một trời mạnh thu.

“Lịch sử cách mạng luôn có một nội dung khá phong phú, có hình thức dồi dào, linh hoạt và rất “cắc cớ” khiến cho chính đảng giỏi đến đâu, những đội tiên phong giác ngộ đến đâu, cũng khó mà hiểu hết được. Điều này rất dễ hiểu bởi vì những đội tiên phong giỏi đến đâu cũng chỉ biểu lộ ý chí, tinh thần, kịch tính và trí tưởng tượng hằng mấy mươi triệu con người bị kích thích trong một cuộc đấu tranh giai cấp ác liệt”.

Hai câu trên của Lê-nin có thể mô tả đầy đủ Cách mạng Tháng Tám. Kẻ thù có hai thái độ: Một là lờ đi không nói đến Cách mạng Tháng Tám, hai là xuyên tạc về phía trừng trị của cách mạng, người của Đảng Nguyễn Ái Quốc, cũng như tất cả lương tâm - ý chí tốt đẹp trên thế gian, tất cả người nô lệ, bởi vì họ yêu nước của họ quá. Thế gian không phải chỉ có bọn cướp nước và bán nước.

Cờ đỏ sao vàng ra đời năm 1940 thời Nam Kỳ khởi nghĩa. Những trái lựu đạn đầu tiên giết giặc là những lựu đạn đã chôn từ lúc ấy. Nó nổ như thuốc bắn cá dưới sông. Gậy tầm vông, khí giới cổ điển, lực lượng kinh hồn của nhân dân, sáng kiến mênh mông của nhân dân nhờ chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc dẫn dắt được phát biểu liên tục. Cần phải phát biểu mạnh thêm nữa để tiêu diệt kẻ thù trên đất nước Việt Nam. Kẻ thù đang cố gắng, Đảng phải cố gắng khai thác nguồn sinh lực vô tận, vô biên của nhân dân để chiến thắng kẻ thù.

Thế giới chia ra làm hai: Giữa đồng Mỹ kim và lương tri; giữa bọn cướp nước, bán nước và lực lượng yêu nước; giữa ban đêm và ban ngày, giữa gông cùm và tự do; giữa nô lệ và độc lập. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn theo con đường của chính Đảng Nguyễn Ái Quốc đã chọn lựa từ lâu.

Đế quốc thực dân đã đến con đường cùng.

Tháng Tám trời mạnh Thu. Mặt trời và mặt trăng của trời mạnh Thu đã đánh tan mây mù.

Đó là sự nghiệp thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Viết năm 1950

Nguyễn Văn Nguyễn(**)


(*) Báo Thống Nhất Nam Bộ năm 1950 đăng bài này với tên bài Tháng Tám trời mạnh thu - cũng là tên gọi tập sách của người cộng sản, nhà văn, nhà báo tài hoa Nguyễn Văn Nguyễn, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1987.

(**) Nguyễn Văn Nguyễn sinh ngày 15-3-1910 tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Là Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho, khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam kỳ, Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ, chủ bút Báo Cứu quốc Nam bộ. Năm 1953, có quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản điều động ông ra Bắc để nhận công tác mới, trong lúc cuộc kháng chiến đang hồi phát triển thắng lợi. Trên đường đi, khi ra đến Bình Định, thì bị sốt thương hàn. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất ông ngày 25-3-1953, giữa lúc cách mạng đang chuyển vào thời kỳ tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công. Hai mươi ngày sau, khi ông qua đời, Báo Nhân dân miền Nam số ra ngày 20-4-1953 đã dành một trang báo đưa tin và tiểu sử, tỏ lòng thương tiếc một tài năng lớn đã mất, trong đó có nhận định: “Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn là một chiến sĩ cốt cán, một nhà viết báo có tài, nhà văn nghệ nhân dân”.

Để tưởng nhớ công lao suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của ông, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất.

.