.

Về lại Làng Sen

.

Bên con đường làng rợp bóng xà cừ cổ thụ dẫn lối vào Làng Sen độ này, những thửa ruộng lúa trải một màu xanh ngắt. Khung cảnh làng quê yên bình với hàng tre, giếng nước đầu làng, mái nhà tranh... đẹp như một bài cổ thi. Làng Sen trong ký ức của những người con dân Việt tìm về nguồn cội đều nghiêng trĩu một khung trời nhung nhớ, là lời nhắc nhở, là động lực để mỗi người sống và nỗ lực cống hiến nhiều hơn cho quê hương, Tổ quốc!

Đội bóng chuyền Đoàn học sinh Đà Nẵng tham dự Hội khỏe Phù Đổng thăm di tích Kim Liên.
Đội bóng chuyền Đoàn học sinh Đà Nẵng tham dự Hội khỏe Phù Đổng thăm di tích Kim Liên.

Mỗi lần có dịp trở lại Làng Sen, quê hương của Người, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cơ may lại đẩy đưa cho tôi được gặp nhiều người, đủ lứa tuổi hành hương về đây từ nhiều miền quê khác nhau. Câu chuyện của họ thong thả bên lũy tre làng, nơi góc vườn xanh tươi cây trái, trên bậc thềm dẫn lối xuống giếng khơi hay nơi dấu tích lò rèn một thời đỏ lửa... nghe ấm lòng, gần gũi và thân thương đến lạ!

Tôi bước thật chậm sau dòng người về Làng Sen, dành gần hết thời gian trên con đường mòn dẫn vào làng để quan sát, lắng nghe và miên man suy ngẫm theo câu chuyện của đôi bạn già phía trước. “Tui dự định mấy năm rồi, nhà ở bên Quảng Bình, cách vài tiếng đồng hồ đi xe đò nhưng nay mới về được Làng Sen bác ạ!”, cụ bà tên Nguyễn Thị Gái, tầm ngoài 70 tuổi, lộc cộc gõ đôi nạng gỗ xuống con đường đất nhẵn mịn, vừa chuyện trò với cụ ông đi ngay bên cạnh.

Cụ ông bước những bước chân thật chậm, có ý đợi người đi cùng, chất giọng miền Bắc nghe ngọt và ấm: “Về được một lần cũng thỏa lòng rồi bác ạ. Tôi là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Được trở về, sống cuộc sống yên bình là nhờ có các đồng đội nhường sự sống cho mình. Vì vậy, mỗi năm dù bận rộn và khó khăn đến đâu, tôi cũng sắp xếp thời gian để đi một chuyến vào cùng đồng đội còn nằm lại rồi ghé về Làng Sen”. Hai người lạ đến từ hai miền quê khác nhau, vừa quen nhau ngay lối vào làng, câu chuyện kéo họ lại gần hơn, lúc trầm trầm thủng thẳng, khi sôi nổi rộn ràng.

Tôi dừng lại thật lâu bên cây lựu lập lòe hoa đỏ, trước sân nhà Bác. Giọng cô hướng dẫn viên nghèn nghẹn kể về những ngày tháng ấu thơ của Người từng sinh sống cùng gia đình. Cái náo nức của những bạn trẻ cách đó không lâu nhường chỗ cho niềm xúc động rưng rưng. Em Mỹ Duyên, học sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) - vận động viên của đoàn Đà Nẵng tham dự vòng chung kết Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc chia sẻ: “Hội khỏe Phù Đổng bốn năm trước, em cũng được các thầy cô dẫn về thăm quê Bác. Lần này về lại, cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Được về thăm nơi Bác từng sinh ra với không gian một ngôi làng, cảm giác như mọi sinh hoạt ngày xưa vẫn đang tiếp diễn trong hiện tại chứ không chỉ là di tích. Em thấy bình yên, ấm áp và tự hào”. Niềm ấm áp của Duyên thêm một lần được cảm nhận khi bước chân vào làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ. “Có nước chè xanh miễn phí đây, các con nghỉ chân cho đỡ mệt rồi vào thăm làng”! Giọng người phụ nữ ngoại ngũ tuần, làm nghề bán hàng tạp hóa ngay cạnh cổng vào di tích Hoàng Trù đon đả mời khách. Bát nước chè xanh nặng tình quê xứ, nghe đâu đó niềm ký ức rưng rưng ùa về.

Nằm trong Khu di tích Kim Liên, cùng với cụm di tích Hoàng Trù - nơi có nhà thờ cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) và nhà thờ họ Hoàng Xuân, Cụm di tích Làng Sen giữa dòng xoáy đô thị hóa vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Điểm nhấn chính là ngôi nhà lá 5 gian nơi gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh sống năm xưa.

Trong ngôi nhà, gian giữa dành để đặt bàn thờ và tiếp khách. Gian còn lại là nơi nghỉ ngơi của cụ Phó bảng, ở đây vẫn còn bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và cũng chính là nơi vào buổi tối, cụ bày ấm chè xanh trò chuyện cùng bà con lối xóm. Ở một gian khác, chiếc chõng tre được trải bằng chiếu cói trắng. Chiếc rương đựng lương thực, cái tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen. Phía gian bếp, bố trí y nguyên không gian sinh hoạt bếp núc quê kiểng với lu nước, cái gáo dừa, cối xay. Ở chái hè nhà, treo gàu tát nước, chiếc cày chìa vôi...

Cách ngôi nhà của cụ Phó Bảng không xa là một khoảng không gian rợp bóng cây xanh, có nhiều lối mòn dẫn đến di tích Giếng Cốc. Nơi đây, tuổi ấu thơ, Bác Hồ thường cùng bạn bè ra lấy nước sinh hoạt. Bên cạnh, đầm sen vào mùa khoe sắc hồng. Cũng trên lối mòn ấy dẫn sang các nhà hàng xóm, như: lò rèn cụ Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một người dân khác với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Bác Hồ... Cái nắng vàng tươm rót trên những hàng duối tàu, những bước chân hành hương về Làng Sen, con ngõ nhỏ đã in biết bao triệu dấu chân người trở về và in cả dấu chân ai sau bao năm tháng lo toan với trì níu áo cơm đời thường được một lần đặt chân trở về đây vẫn thuộc lòng lối vào làng, đường ra Giếng Cốc, đường vào ngôi nhà đơn sơ của thân sinh Bác Hồ giữa làng mạc rợp bóng cây cối xanh tươi. Nghe đâu đó âm thanh quai búa rèn sắt làm nên các công cụ nhà nông, vũ khí đánh giặc... như còn vọng sau rặng tre làng, tiếng ầu ơ của bà của mẹ, giọng trầm đục giảng từng con chữ của cha bên chiếc án thư còn vương màu mực.

Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Ban quản lý khu di tích Kim Liên nói: “Khu di tích Kim Liên hằng năm còn là nơi diễn ra các hoạt động ý nghĩa như lễ kết nạp đảng viên, tuyên dương các điển hình tiên tiến, tổ chức các triển lãm về Bác, về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là điểm tham quan về nguồn của hàng triệu lượt du khách mỗi năm, trong đó có rất nhiều chuyến về nguồn của các em học sinh trên mọi miền đất nước. Ban quản lý rất chú trọng khâu bố trí hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử di tích. Điều này không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin của điểm đến mà còn chú trọng chuyển tải thông tin về nguồn cội đến với thế hệ trẻ”.

Theo chân người quản lý đầy tâm huyết đi trọn một vòng giữa Làng Sen, tôi ngẫm ra rằng, được bước chân trên những con ngõ vào Làng Sen này, sẽ cảm nhận được hết vẻ đẹp lung linh của làng quê mộc mạc. Những ai đã từng rứt ruột xa quê bởi muôn vàn lý do trong đời sống thường nhật, mới thấy yêu hơn giây phút về lại quê nhà, thấy cần biết bao một điểm tựa nương.

Và Làng Sen đó, quê chung của những người con đất Việt - thật sự là nơi trở về của đồng bào!

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.