Chính trị - Xã hội
Xây dựng văn hóa, văn minh đô thị: Chuyển biến, nhưng còn khó khăn
Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị (VHVMĐT), trên địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đã tạo chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ và cách làm của người dân. Tuy nhiên, để tạo sự đột phá thì còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chỉnh trang đô thị và chuyển đổi ngành nghề cho người lao động.
Tuyến đường Mai Đăng Chơn không những sạch mà còn đẹp bởi những khóm hoa dưới gốc cây xanh ven đường. |
Chuyển biến từ công tác tuyên truyền
Vài tuần một lần, bà con nhân dân khu dân cư Bá Tùng tập trung vào sáng chủ nhật để tổng dọn vệ sinh đường phố. Việc làm này đã tạo thành nền nếp và ý thức tự giác của người dân. Ông Nguyễn Quang Trưởng, Bí thư chi bộ Khuê Đông 2 hồ hởi cho biết: Trước đây, ý thức về vệ sinh môi trường một số người dân trong khu vực chưa cao, do nếp sống nông thôn còn tồn tại nên việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vứt rác bừa bãi thường xảy ra.
Tuy nhiên, từ khi địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, người dân được tuyên truyền rộng rãi về việc thực hiện Năm VHVMĐT, nên đã có những chuyển biến rõ nét không chỉ trong việc giữ gìn nếp sống văn hóa trong gia đình mà chung tay, góp sức trong việc giữ gìn nếp sống đô thị.
Ở tuyến đường Mai Đăng Chơn trước đây cũng thường xuyên diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi sản xuất, kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị, nhưng đến nay, qua quá trình tuyên truyền, vận động đã tạo chuyển biến rõ nét đối với người dân hai bên tuyến đường này. Dưới bóng những hàng cây xanh tốt, là những bồn hoa được chăm sóc cẩn thận, tạo nên khung cảnh không những sạch mà còn đẹp cho tuyến phố mới. Tại khu Bình Kỳ 2, trước đây cũng xảy ra “điểm nóng” về môi trường, do nhiều người dân vứt rác thải tại những bãi đất trống, gây ô nhiễm.
Trước thực trạng trên, các Cựu chiến binh trong khu vực đã thành lập CLB Môi trường. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, đến nay, ý thức người dân trong khu vực được nâng lên, nhờ đó đã giải quyết dứt điểm được “điểm nóng” ô nhiễm. Ông Phạm Thử, Chủ nhiệm CLB Môi trường Cựu chiến binh cho biết, chuyển biến nhiều nhất trong thực hiện nếp sống VHVMĐT là ý thức người dân được nâng lên, họ tự nguyện chung tay tổng dọn vệ sinh hằng tuần khu vực xung quanh nơi mình sinh sống, tự giác trong việc giữ gìn nếp sống văn minh hằng ngày.
Để có được sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua, phường Hòa Quý đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên sóng đài truyền thanh phường, xe lưu động, thông qua các cuộc họp tại cơ sở… Đồng thời, phường thành lập tổ xử lý nhanh về các vấn đề liên quan đến nếp sống VHVMĐT do một Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, nhờ đó, trật tự mỹ quan đô thị đã từng bước đi vào nền nếp.
Từng bước khắc phục khó khăn
Theo ông Ngô Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, do quá trình đô thị hóa trên địa bàn phường chưa đồng bộ, nhiều khu dân cư đang trong quá trình giải tỏa, di dời và chưa được khớp nối với nhau nên việc triển khai xây dựng nếp sống VHVMĐT trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhất là ở những khu vực nửa đô thị, nửa nông thôn như: An Lưu, Thị An, Mân Quang…
Đặc biệt, ở Hòa Quý hiện vẫn còn hơn 50 hộ dân nuôi bò, thường xuyên thả rông trên đường, phóng uế gây ô nhiễm, gây mất mỹ quan. Về vấn đề này, ông Ngô Thanh Trà cho biết, địa phương biết rất rõ, tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong chuyển đổi ngành nghề, vì phần lớn trong số này là người lớn tuổi, không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, không còn đất sản xuất.
Nếu cấm nuôi thì ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con. Theo ông Trà, trong thời gian qua, phường Hòa Quý đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại, vận động những hộ chăn nuôi này không đưa bò về khu dân cư, mà làm chuồng trại tại những khu đất trống, đất hoang để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều hộ cũng đã chấp hành, tuy nhiên đây chỉ mới là giải pháp tình thế.
Về lâu dài, phường Hòa Quý trông chờ vào sự khớp nối và hoàn thiện các dự án và các khu dân cư trên địa bàn phường. Song song đó, từng bước giải quyết triệt để tình trạng chăn nuôi bò thả rông và tìm hướng đi đúng để chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp. Địa phương tăng cường công tác tuần tra, mật phục, bắt và xử lý nghiêm các đối tượng dán quảng cáo, rao vặt trái phép. Nỗ lực đó sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống VHVMĐT tại địa phương.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ