.

32.861 tỷ đồng xây dựng cảng Liên Chiểu đạt công suất 46 triệu tấn/năm

.

Theo báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, dự kiến mức đầu tư giai đoạn 2022 là 7.378 tỉ đồng (1,845 triệu tấn); giai đoạn 2030 là 7.857 tỉ đồng (17,5 triệu tấn); giai đoạn 2050 là 17.626 tỉ đồng (46 triệu tấn/năm).

Ngày 1/10, TEDIPORT đã báo cáo với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và đại diện JICA (Nhật Bản) báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi...
Ngày 1/10, TEDIPORT đã báo cáo với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và đại diện JICA (Nhật Bản) báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi...

Ngày 1-10, Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (TEDIPORT) đã trình bày với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP (hợp tác công – tư).

Đánh giá về năng lực cảng Đà Nẵng, Phó Giám đốc TEDIPORT Phùng Văn Phát cho hay, hiện công suất thiết kế của cảng Tiên Sa đạt 6 triệu tấn/năm. Với khả năng lưu trữ của kho bãi hiện hữu (227.800TEUS và 677.600 tấn/năm) không đủ để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đã quá tải cả hàng container và hàng tổng hợp trong năm 2015 với 258.000TEUS, trên 3 triệu tấn hàng tổng hợp và 52.000 lượt khách du lịch.

Đến năm 2020, sau khi thực hiện xong giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng, công suất thiết kế của cụm cảng Tiên Sa - Thọ Quang được nâng lên 12 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2015, khi cảng Đà Nẵng khai thác lượng hàng 6,4 triệu tấn đã xuất hiện tình trạng ùn tắc tại các nút giao phía Đông sông Hàn, gây tai nạn giao thông, chở quá tải qua đô thị gây hư hại kết cấu hạ tầng đô thị.

Trong khi đó, theo báo cáo quy hoạch giao thông Đà Nẵng đến 2020, tầm nhìn 2030 thì tuyến đường kết nối với cảng Đà Nẵng (Yết Kiêu, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, cầu Tiên Sơn…) có thể đáp ứng lượng hàng thông qua 10 triệu tấn/năm với điều kiện các nút giao thông phía Đông sông Hàn được nâng cấp. Tuy nhiên điều này khó có thể thực hiện trong tương lai gần, nên sẽ tồn tại hiện trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông khi gia tăng lượng hàng.

Do vậy, theo TEDIPORT, cần phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế (cảng đa năng với các loại hàng: hành khách, container, tổng hợp và hàng lỏng). theo 2 khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu. Trong đó, khu cảng Tiên Sa – Thọ Quang phục vụ hành khách, hàng container là chủ đạo, khu cảng Liên Chiểu phục vụ hàng container, hàng tổng hợp (có hàng rời) và hàng lỏng

Khu bến Tiên Sa - Thọ Quang chỉ phát triển công suất hợp lý đến 10 triệu tấn/năm để khai thác tối ưu cơ sở hạ tầng đã được đầu tư (đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật…) và không ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cũng như sự phát triển chung của TP Đà Nẵng. Đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch, không khai thác chung với bến hàng hóa như hiện nay). Nhiệm vụ của cảng này là phục vụ khách du lịch, hàng container là chủ yếu và một số hàng tổng hợp dạng bao kiện.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (Ảnh: HC)
Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

TEDIPORT cũng nhấn mạnh sự cấp thiết đầu tư cảng Liên Chiểu để đáp ứng việc cảng Tiên Sa, Thọ Quang vượt quá năng lực. Thời điểm cần sự phục vụ của cảng Liên Chiểu là 2022 với với quy mô các giai đoạn: Năm 2022 (khởi động), lượng hàng thông qua 1,845 triệu tấn/năm, khai thác tàu tổng hợp 50.000DWT; giai đoạn 2030 lượng hàng thông qua 17,5 triệu tấn/năm, khai thác tàu container 4.000TEU; tầm nhìn 2050 lượng hàng thông qua 46 triệu tấn/năm, xem xét khai thác cỡ tàu 8.000TEU.

Theo tính toán của TEDIPORT, dự kiến mức đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn 2022 là 7.378 tỉ đồng (trong đó vốn nhà nước 46%, vốn tư nhân theo hình thức PPP là 54%); giai đoạn 2030 là 7.857 tỉ đồng (vốn nhà nước 27%, vốn tư nhân 73%); giai đoạn 2050 là 17.626 tỉ đồng (vốn nhà nước 26%, vốn tư nhân 74%). Như vậy tổng mức đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu qua 3 giai đoạn là 32.861 tỉ đồng (vốn nhà nước 31%, vốn tư nhân 69%).

TEDIPORT cũng nêu rõ, cảng Liên Chiểu cần thiết được đầu tư theo hình thức PPP nhằm giảm gánh nặng đầu tư tài chính của ngân sách, nâng cao hiệu suất và năng suất nhờ cạnh tranh lành mạnh; cung cấp được dịch vụ chất lượng cao với giá thấp hơn cho nền kinh tế; cung cấp công nghệ vận hành và khai thác cảng tiên tiến và kiến thức về quản lý.

Trong tổng mức đầu tư 32.861 tỉ đồng cho cảng Liên Chiểu (đến giai đoạn 2050) có 2 hợp phần. Hợp phần A của nhà nước đầu tư nhằm xây dựng hạ tầng dùng chung cho khu cảng (nạo vét luồng và khu quay trở, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng, kè bảo vệ bờ…). Tổng mức đầu tư hơp phần A là 10.209 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách (giai đoạn khởi động 2022 có tổng mức đầu tư 3.426 tỉ đồng)

Hợp phần B của nhà đầu tư nhằm xây dựng, khai thác mở đầu 12 bến (đầu tư bến cùng hạ tầng trên bến như đường bãi, công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật, thiết bị, nạo vét khu đậu tàu…). Tổng mức đầu tư hợp phần B là 22,652 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có, vốn vay ngân hàng, vay trái phiếu hoặc ODA (giai đoạn khởi động 2022 có tổng mức đầu tư 3.952 tỉ đồng).

Theo Infonet

;
.
.
.
.
.