Chính trị - Xã hội

55 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10)

Khúc bi tráng của một thuyền trưởng

08:02, 22/10/2016 (GMT+7)

55 năm trôi qua từ ngày con đường Hồ Chí Minh trên biển khơi thông (23-10-1961). Bao nhiêu chuyến đi là bấy nhiêu kỳ tích về lòng dũng cảm, sự hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số năm xưa. Nhưng cũng có chuyến đi, những con người ấy phải mang trong lòng một nỗi oan đến tận nửa thế kỷ mới được giải.

Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích hiện nay. 		Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích hiện nay. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Đó là câu chuyện của thuyền trưởng Vũ Tấn Ích, người đã 9 lần vượt biển chi viện cho miền Nam. Từ chuyến hàng đầu tiên vào Tết năm 1963 đến giữa năm 1967, mặc dù phải vượt qua bao phen sinh tử, anh đã chỉ huy 8 lượt chuyến tàu chi viện cho miền Đông, Tây Nam Bộ thành công. Trước yêu cầu đòi hỏi trang bị vũ khí cho chiến trường Khu 5, tháng 7 năm 1967, anh được cấp trên giao nhiệm vụ vận chuyển 100 tấn vũ khí vào Quảng Ngãi.

Chỉ huy tàu còn có Chính trị viên Huỳnh Ngọc Thạch, Thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp. Dù đã kinh qua 8 chuyến đi, nhưng lần này anh vừa mừng, vừa lo. Lo là vì năm 1967 là đỉnh cao của chiến lược chiến tranh cục bộ mà Mỹ áp dụng ở miền Nam. Chúng tập trung trang bị và lực lượng nhiều nhất, đặc biệt là hải quân. Sau vụ tàu không số của ta bị lộ ở Vũng Rô, Mỹ - ngụy thiết lập hệ thống phong tỏa vùng biển hết sức gắt gao, nhất là từ Đà Nẵng đến Cam Ranh; kết hợp máy bay trinh sát, tàu tuần tiễu và ra-đa hoạt động suốt ngày đêm.

Vì vậy, khi tàu vượt qua vĩ tuyến 17, gặp máy bay địch trinh sát theo dõi liên tục mỗi 30 phút một lần, anh vẫn cho tàu hành trình theo kế hoạch, khi có máy bay thì làm như đang thả trôi thu lưới, khi không có máy bay lại đi tiếp vào Nam như tàu đánh cá. Cứ thế, đến tối 12-7, tàu anh phát hiện đèn đảo Lý Sơn về phía tây nam chừng hai chục hải lý. Trong khi tạm dừng xác định vị trí thì xuất hiện từ phía bờ ánh đèn của hai tàu khu trục Mỹ đang thẳng hướng tàu ta. Anh cho bật đèn hành trình lái tàu về hướng đông đi ra hải phận quốc tế.

Chỉ sau một giờ, hai tàu Mỹ đã đuổi kịp tàu ta, chúng chĩa pháo đe dọa và liên tục phát tín hiệu hỏi đáp. Anh không trả lời và lệnh cho tàu đi thẳng. Có lúc hai khu trục tăng tốc lượn vòng quanh tàu ta nhưng không dám vào gần. Trên đài chỉ huy lúc này chỉ có anh và lái tàu, còn tất cả ở vị trí chiến đấu. Cứ thế, chúng bám sát tàu ta đến 13 giờ ngày 13-7 mới chịu quay vào bờ. Ngay đêm đó, anh cho hội ý cấp ủy chỉ huy tàu, rà soát lại phương án chiến đấu và xác định vào bờ lần này sẽ rất khó khăn.

Anh động viên anh em quyết tâm, đêm mai, giá nào cũng phải vào bến Ba Làng An theo kế hoạch. Đúng 1 giờ 30 ngày 14-7, anh cho tàu chuyển hướng tiếp cận dần để đêm xuống lợi dụng tối trời, tiếp cận bến. Đúng như nhận định, khi tàu ta vào khu vực đảo Lý Sơn thì bất ngờ 5 - 6 tàu địch bật đèn pha bắn pháo sáng rực cả một góc biển. Anh ra lệnh chuẩn bị chiến đấu, bình tĩnh cho tàu luồn lách vào bờ càng nhanh càng tốt. Khi tàu ta vào gần cửa Sa Kỳ, các tàu lớn của địch ở ngoài xa bắn pháo chặn đường, tàu nhỏ đuổi theo. Anh lệnh cho anh em dùng đại liên bắn trả địch để vào cửa nhưng không may bị mắc cạn.

Các tàu địch tập trung nhiều loại vũ khí bắn xối xả khiến tàu ta bị bốc cháy. Tình huống nguy cấp, anh lệnh cho anh em rời tàu, hai đồng chí chính trị viên và thuyền phó ở lại hủy tàu theo phương án. Khi vào bờ, anh em được địa phương kịp thời cứu hộ vào nơi an toàn nhưng đợi mãi không nghe tiếng nổ hủy tàu và hai người được giao nhiệm vụ cũng không thấy vào. Anh biết là các đồng chí đã hy sinh. Lúc này trời đã sáng, Mỹ cho máy bay phản lực ném bom, cho trực thăng đổ quân bao vây khu vực và tổ chức tiếp cận tàu ta. Còn các anh ngay đêm đó được quân giải phóng đưa lên chiến khu đi ra miền Bắc.

Khi về đến đơn vị, cấp trên chỉ thị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Câu hỏi được đặt ra: “Tại sao không thể nổ bộc phá để hủy tàu theo phương án”. Anh và những người trở về không trả lời được vì hai đồng chí ở lại làm nhiệm vụ đó đã hy sinh. Anh nói tổn thất lần này quá lớn, nguyên nhân không hủy được tàu chưa rõ, nhưng là người chỉ huy, là thuyền trưởng nên trách nhiệm lớn nhất, trước hết thuộc về anh”.

Sau đó cấp trên cũng không xử lý kỷ luật anh mà điều động anh về chỉ huy một đơn vị rà phá thủy lôi. Từ đó, anh cứ ấp ủ một nỗi đau: “Nỗi đau mất tàu là một chuyện, còn chuyện mình sống trở về mà hai đồng chí đã hy sinh...”.

Và điều ấy cứ theo anh cho đến bây giờ, nhất là những khi họp mặt đồng đội cũ, những lúc anh có niềm vui. Thế rồi, trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 50 năm “đoàn tàu không số”, năm 2011, một phóng viên báo Quân đội Nhân dân đến nhà gặp và trao cho anh một tài liệu bằng tiếng Anh và một bản đã dịch sẵn. Tư liệu này từ một báo cáo của hải quân Mỹ và một bài báo Mỹ mà báo Quân đội Nhân dân có được, đều nói đến chủ đề “Cuộc rượt đuổi trên sông Sa Kỳ”, “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ” (nói về tàu không số của ta vào Sa Kỳ bị địch phát hiện tấn công năm 1967). Một chuyên gia thuốc nổ của Mỹ khảo sát tàu ta và nhận định:

“... Đạn cối đã tình cờ làm bung nút kích nổ, nếu không chắc chắn phía Mỹ sẽ thiệt hại lớn”. Anh đọc đến đoạn này thì run lên và khóc nức nở. Anh nói: “Nguyên nhân đã rõ, không phải chúng tôi hèn nhát! Lịch sử đã minh oan cho chúng tôi, minh oan cho các đồng chí rồi Thanh ơi! Nghiệp ơi!”. Rất mừng cho anh và đồng đội của anh. Chỉ một thông tin bình thường từ phía địch vậy mà ý nghĩa biết chừng nào đối với anh - một cựu chiến binh ngoài 80 tuổi từng mang một nỗi đau gần nửa thế kỷ đến bây giờ mới được nguôi ngoai.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống đoàn tàu không số năm nay (23-10-1961 - 23-10-2016), chúng tôi đến thăm anh, dù tuổi đã 87 rồi nhưng vẫn vóc người rắn rỏi của một thuyền trưởng năm xưa. Khi hỏi anh về đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh đã được chưa, anh chậm rãi nói: “Anh em ta đi làm nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh là để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chứ có vì thành tích đâu, hãy nghĩ về những đồng chí đã hy sinh”.

PHAN VĂN CÚC

Nguyên Phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Vùng 3 hải quân

.