LTS: Kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2017), đánh dấu chặng đường đổi mới của thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi viết phóng sự - ký sự với chủ đề “ĐÀ NẴNG - DẤU ẤN 20 NĂM ĐỔI MỚI”. UBND thành phố kỳ vọng qua cuộc thi sẽ nâng cao chất lượng tuyên truyền về sự nghiệp đổi mới, nâng cao niềm tự hào về sự nghiệp phát triển của Đà Nẵng, từ đó ra sức xây dựng thành phố trở thành “thành phố đáng sống”.
Từ số này, Báo Đà Nẵng đăng tải bài dự thi và hưởng ứng cuộc thi này. Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo bạn đọc. Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Đà Nẵng, số 42 Trần Phú, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. E-mail: tsbaodanang@gmail.com (đề nghị ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết phóng sự, ký sự “Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới”).
Đà Nẵng từng ngày đổi mới. Ảnh: MINH TRÍ |
Gần hai nhiệm kỳ - mười năm, Quảng Nam – Đà Nẵng không tiến lên được, tụt lại so với các tỉnh bạn. Một nguyên nhân chính là nội bộ mất đoàn kết. Thực ra là kèn cựa, địa vị, tranh chức, tranh quyền. Không phải tự nhiên mà Bộ Chính trị phải bận tâm xem xét, cân nhắc rồi điều một lúc hai nhân sự - gốc người Quảng Nam đang công tác ở Trung ương về làm Bí thư và Chủ tịch để hy vọng ổn định tình hình, tổ chức Đại hội sắp xếp lại bộ máy.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ 16, từ tháng 4 - 1994, ông Mai Thúc Lân, quê Điện Phước, làm Bí thư Tỉnh ủy; ông Trương Quang Được, quê Hội An, làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đến tháng 12 năm 1996, sau 5 tháng, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 khóa IX, ngày 6-1-1996, phê chuẩn đề xuất của tỉnh, Trung ương quyết định ngày 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách ra thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Thời gian đề cập ở đây bắt đầu từ buổi sáng khó quên – Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu - Đinh Sửu, nhằm ngày 21-2-1997. Hình ảnh còn đọng lại trong ký ức chúng tôi ngày đẹp trời hôm ấy, trước quảng trường Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng, mấy chục chiếc ô-tô con sắp hàng nối đuôi nhau hồi hộp, lưu luyến, chờ cùng xuất phát tiến vào thị xã Tam Kỳ - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.
Ngày ấy, mỗi cơ quan, đơn vị chỉ có một vài chiếc xe công vụ để đưa đón thủ trưởng, hoặc đi công tác xa. Chỉ cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh thì có năm bảy chiếc xe con. Cán bộ, nhân viên nhà chưa ra nhà, chung cư chưa ra chung cư nói gì đến xe con xa xỉ. Tư nhân có xe tải vào hợp doanh, chưa ai có xe con.
Đoàn xe con vào Tam Kỳ là xe ưu tiên của cơ quan, đơn vị chia cho người anh em “bị’’ vào Quảng Nam, dù ưu tiên song hầu hết là xe đã qua năm, bảy, mười năm sử dụng. Ngày ấy bỗng có một đoàn xe cùng xuất phát trông thật oai! Một cuộc chia tay lớn, chia tay vì nhiệm vụ, chứ “không hề có cuộc chia ly’’.
Hai bên đường trước khi rời thành phố Đà Nẵng, nhiều bà con tay cầm cờ hoa ra tiễn đoàn. Trên đoạn đường quốc lộ 1 vào thị xã Tam Kỳ, rất đông bà con và cán bộ nhân viên Tam Kỳ đứng hai bên đường đến tận Sân vận động Tam Kỳ vẫy cờ hoa hoan hô đoàn người vào tiếp quản tỉnh mới tái lập.
Ngồi trên xe dẫn đầu đoàn xe mấy chục chiếc ô-tô con chạy trên 70 cây số vào thị xã Tam Kỳ, bà Khanh vợ của Bí thư Mai Thúc Lân cố kìm lòng song nước mắt cứ trào ra. Và ngay tối hôm đó khi về cơ quan – chỗ ở do văn phòng bố trí, thì gặp trời mưa rất to, một con rắn hổ mang ướt lạnh, tìm chỗ núp mưa, bò vào tận gầm giường dành cho hai vợ chồng Bí thư, làm bà Khanh hoảng hồn, tái mặt. Vừa chân ướt chân ráo vào thị xã Tam Kỳ, Mai Thúc Lân thốt lên một âm điệu buồn:
Đường Đà Thành lung linh ánh điện
Phố Tam Kỳ mờ mịt cát bay.
Bấy giờ, thị xã Tam Kỳ chưa có ngã tư, chỉ có một ngã ba Nam Ngãi – một ngã ba trên quốc lộ 1A chạy qua thị xã. Đường thị xã Tam Kỳ không chỉ hẹp, hục hang, bụi bặm mà còn có bò gặm cỏ hai bên đường nội thị để lại những đống phân đen. Đời sống dân tình còn dáng dấp của quê nhiều hơn thị.
Mai Thúc Lân là một trong số lãnh đạo bấy giờ không muốn chia tách tỉnh. Thì tỉnh mới củng cố một bước, mới tổ chức Đại hội, đang bắt tay lo nhiệm vụ cấp bách phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ kéo dài thì phải chia tách là sao! Lại phải làm công tác nhân sự vốn nhiễu sự.
Và chia tài sản, tài sản vật thể cũng nhiều loại tốt xấu, nhưng không khó, chỉ cần ưu tiên cho người đi, tài sản phi vật thể thì chia làm sao? Một công việc không dễ dàng mà Ban Thường vụ và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phải họp bàn nhiều phiên, tính toán chia cán bộ, ai đi, ai ở lại, mà đa phần muốn ở lại, không ít người ngại đi, làm như đi ra chiến trường giúp bạn đánh Pôn-pôt, có cả nhiều vấn đề lớn phải đưa ra mấy phiên họp Hội đồng Nhân dân tỉnh để biểu quyết như chia ‘‘địa giới hành chính’’, chia ngân sách.
Là người đứng đầu, trách nhiệm nặng nhất, không du di, phải có chính kiến. Mệt vô cùng! Mai Thúc Lân về lại quê nhà nhận nhiệm vụ nặng nề, còn phải nghe âm vang không mấy dễ nghe: Ổng đi ổng để đêm dài. Lân về Lân để tượng đài ngả nghiêng. Thật ra, vì tượng đài Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ xây trên nền nguyên là ruộng bùn ngập nước nên có bị sụt lún nền xung quanh Tượng đài. Ngày ấy, quanh khu vục Tượng đài là vùng ngập nước um tùm cỏ dại, lau lách và rau muống hoang mọc tràng hê…
Nay, vây quanh Tượng đài trang nghiêm là vùng đất vàng mọc lên khu biệt thự, khu trung tâm tổ chức tiệc cưới sang trọng, hoành tráng, khu Công viên Châu Á - điểm thu hút khách của Đà Nẵng và cả nước …
Trước những thông tin nhiều chiều vốn không thuận lỗ tai, Mai Thúc Lân tự nhắc mình ‘‘Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí ở địa phương và quan trọng hơn phải có chính kiến, thận trọng xử lý công việc (Trích ‘‘Chuyện đời ấm lạnh buồn vui’’).
Lễ đón tiếp các cơ quan ở Đà Nẵng vào công tác tại Tam Kỳ ngày 21-2-1997. Ảnh: THU THỦY |
Quảng Nam vốn là tỉnh nông nghiệp, đất rộng, ven biển toàn đất cát, vùng tây là núi đồi. Cuối năm 1996, một trận lụt lớn. Năm 1997, vừa vào tiếp quản thì đón lụt. Năm 1998 lụt lớn. Năm nào cũng chống lụt và khắc phục hậu quả nặng nề của bão lụt. Các ban, ngành của Đà Nẵng và Quân khu 5 phải chi viện sức người sức của chống và khắc phục lũ lụt. Năm 1997, chia tay đồng đội, Quảng Nam mang theo 157 tỷ đồng ngân sách được chia.
Chỉ có 100 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Nhiều xã không có đường ô-tô. Hơn 300.000 người thất nghiệp, tỷ lệ nghèo thuộc diện cao nhất nước. Người Quảng Nam đo thời gian 20 năm trôi qua bằng từng bước phát triển của mình. Thị xã Hội An và thị xã Tam Kỳ đã lên thành phố. Sáu huyện miền núi và một số huyện trung du dù tập trung đầu tư kinh phí và công sức, song bước phát triển còn chậm, cần phải có những bước đột phá. Các huyện đồng bằng, có 4.700 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mỗi năm tạo việc làm cho hơn 12.000 người.
Quảng Nam đã quyết liệt chuyển công nghiệp lên vị trí hàng đầu, nay, có 6 khu công nghiệp tập trung, hơn 40 cụm công nghiệp thu hút cả trăm nghìn lao động. Các khu công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai, đã có dự án hàng tỷ USD vào đầu tư. Quy mô công nghiệp Quảng Nam xếp thứ 3/14 tỉnh trong khu vực, 17/63 tỉnh trong cả nước. Năm 2016, thu ngân sách đã đạt tới 15.000 tỷ đồng, tăng gấp 120 lần (xếp thứ 5/14 khu vực, 12/63 cả nước - một kỷ lục mà 20 năm trước không người Quảng Nam nào dám mơ đến!)
Và, Đà Nẵng, thành phố trực thuộc Trung ương, đi lên từ lợi thế vốn có của mình, bắt đầu bằng cuộc cách mạng chỉnh trang đô thị. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Bá Thanh trực tiếp chỉ huy mở đột phá vào tận các khu ổ chuột, nhà chồ, vùng ngập nước, vùng ô nhiễm… đụng đến mọi người dân, đối thoại với những ai muốn gặp, gặp trẻ em đường phố, dân chơi bụi đời, gặp xích lô, xe thồ, gặp cả những người kiện cáo, vu cáo, làm kích thích mọi sức sáng tạo, làm chấn động sự bình chân, vô can, làm cho những ai chỉ vì mình, hồ nghi, mặc cảm phải nghĩ suy, vào cuộc, cùng sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân làm bệ phóng xây dựng một thành phố ‘‘năm không’’, thành phố ‘‘ba có’’; đẩy lùi dần sự hung hăng, ngu tối của cái xấu, cái ác, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân để cùng góp sức xây dựng một thành phố đáng sống. Lần lượt lực lượng trẻ năng động lên thay những vị trí chủ chốt, quyết tâm làm cho thành phố Đà Nẵng thật đáng sống, thu hút nhiều hơn các nguồn vốn, sự chú ý và ái mộ của cả nước.
Khi Quảng Nam hình thành các dự án, thu hút đầu tư vào vùng cát ven biển và xe vượt qua cầu Cửa Đại, bỗng thấy gần hơn giữa đô thị cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng. Tuyến đường ven biển chạy từ chân núi Hải Vân – Nam Ô nối với Cửa Đại - Hội An, cùng tuyến đường đến Kỳ Hà – Chu Lai – Dung Quất, thì Đà Nẵng ngoài nhiệm vụ đầu tư cho phát triển công nghệ cao và giáo dục chất lượng thì, đẩy mạnh phát huy tiềm năng du lịch và dịch vụ.
Ngoài đường ô-tô và xe lửa, du khách đường không xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, du khách đường biển bước lên cảng Tiên Sa, sau khi thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Cổ viện Chàm, Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng, Bà Nà Hills, Công viên Châu Á… muốn đi xa thì, chỉ nửa giờ sau là đến với Di sản văn hóa thế giới Hội An, một giờ sau sẽ đến Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, hai giờ sau đến với Di sản văn hóa thế giới Huế... Ven các biển Đà Nẵng đẹp.
Sạch và đẹp vào loại nhất nhì thế giới, từng ngày mọc lên khách sạn, nhà hàng, biệt thự nối nhau tạo nên phố xá soi mình xuống nước biển xanh thật nguy nga. Với những bãi tắm trong lành với các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng tầm quốc tế lưng tựa vào núi Sơn Trà, nhìn ra vịnh Tiên Sa thu hút khách giàu sang và quan chức cấp cao của châu lục. Đà Nẵng đang đẹp hơn, rộng hơn, đáng sống hơn, từng đăng cai APEC 2006, cùng với Quảng Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2010 và đang tổ chức Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 – ABG 5, thu hút vận động viên trên bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ; tiếp theo là đón chào và đăng cai phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017 – là những dịp để người Đà Nẵng thể hiện khả năng và tiềm lực đầy sáng tạo của mình, là cơ hội vàng để người Đà Nẵng giới thiệu mình ra với năm châu, bốn biển.
Nhớ hình ảnh đoàn xe đưa cán bộ vào Tam Kỳ ngày ấy, bị gọi là sự phô trương, nay xem ra không bằng số xe con đậu trước một quán phở buổi sáng. Tôi không muốn trưng ra những con số khô khốc không dễ gì nói đúng và sát sườn sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng, mà thích nhìn cảnh ô-tô con đi ăn buổi sáng, đi nhậu buổi chiều và đi ăn cưới buổi trưa.
Nhà hàng tiệc cưới mở ra khắp nơi. Vậy mà, không bãi đỗ xe nào chứa hết xe con trong những ngày có đám cưới, những lễ hội, gặp mặt, tiệc tùng. Và, xe con đậu nối đuôi nhau dọc theo những con đường luôn tấp nập người và xe như Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Trưng Nữ Vương, Đống Đa…; xe thường không còn chỗ dừng trên những con đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lý Thái Tổ…; xe con không tài nào đậu khi đi chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường… Một số các cơ quan không đủ chỗ mở rộng bãi cho xe con. Khổ nhất của những người sắm xe con là khi ra đường thường không có chỗ đậu xe! Tuy nhiên, do thành phố được mở rộng ra, đường thông, hè thoáng nên chưa và có thể còn lâu mới bị kẹt xe, bị ùn tắc như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn đường sá, chợ búa, xe cộ thấy người Đà Nẵng giàu lên, nhiều người đổi đời, khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo của Đà Nẵng từng ngày xuống ở mức thấp nhất. Song, điều luôn trăn trở và là nhiệm vụ cấp bách, không dễ là, vẫn còn nhiều người phải kiếm công ăn việc làm vô cùng vất vả để mưu sinh, nhiều sinh viên ra trường chưa tìm ra việc làm; vẫn còn người ăn không ngồi rồi, sa vào rượu, ngáo đá và cá độ.
Khi chia tách, chỉ có truyền thống văn hóa và anh hùng thì không chia, không thể chia! Chính vì vậy, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều tôn quý và không ngừng khai thác, phát huy tài sản vô giá, nguồn vốn vô tận, không thể chia ấy, làm nền tảng và động lực cho công cuộc phát triển của mình. Đúng là hai người anh em luôn trọn nghĩa, trọn tình, luôn giữ gìn hình ảnh, những trang sử hào hùng, thật đẹp của cha anh, những ngày cùng chiến hào trong chiến đấu giữ nước khốc liệt sống - chết - đói - no có nhau!
Thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển vượt trội, đầy ấn tượng, cùng liên kết thúc đẩy nhau phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành vùng đất lành thu hút đầu tư phấn đấu trở thành trung tâm tài chính, kinh tế du lịch của khu vực và thế giới, cùng với Quảng Nam từng ngày hình thành vùng động lực, đóng vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế liên vùng.
Dòng thời gian luôn xói mòn dù không thay tốc độ. Bước phát triển nhanh, chậm là do con người. Nhìn bước đo của thời gian, người Quảng Nam, người Đà Nẵng luôn thấy mình đi không kịp bước đi của thời đại!
Ký của Hồ Duy Lệ