Chiều 18-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cùng đại diện các nhà tài trợ Nhóm 6 ngân hàng phát triển nhằm tập trung xác định rõ hiệu quả và những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Thông qua hội nghị, các cơ quan Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, đặc biệt là Nhóm 6 ngân hàng phát triển (ADB, AfD, KfW, JICA, KEXIM, WB) thống nhất và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận và sử dụng tài trợ, cải thiện tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
Hội nghị cũng nghe thông điệp của diễn đàn giám đốc các ban quản lý dự án vừa diễn ra sáng cùng ngày.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức về quản lý dự án giữa các giám đốc ban quản lý dự án với tư cách là chủ thể quản lý trực tiếp các chương trình, dự án ODA, đồng thời hình thành kênh để đại diện các ban quản lý dự án trực tiếp đối thoại với các cơ quan Chính phủ trong quá trình hoạch định, thực hiện chính sách, triển khai các biện pháp chỉ đạo điều hành cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ để thực hiện mục tiêu trên, với trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Thời gian qua, một loạt các biện pháp đã được Chính phủ triển khai. Về mặt thể chế, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có hiệu lực từ 1-7-2016 với nhiều quy định liên quan đến ký kết các điều ước quốc tế về ODA được đơn giản hóa. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, góp phần đẩy nhanh đáng kể tiến độ các dự án đầu tư công trong tháng 8, tháng 9, trong đó giải ngân vốn nước ngoài trong tháng 9 xấp xỉ bằng cả 8 tháng năm 2016. Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo Phó Thủ tướng, trong 9 tháng năm nay, Việt Nam đã ký 35 hiệp định với tổng trị giá vốn ODA đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, dù đã chuyển biến song vẫn chưa có “đột phá lớn”. Tổng giá trị giải ngân mới đạt 2,69 tỷ USD trong 9 tháng qua chỉ bằng 81,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là các nhà tài trợ Nhóm 6 ngân hàng phát triển đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên con đường phát triển.
Theo Chinhphu.vn