Để hiện thực hóa chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an”, các cấp chính quyền quận Thanh Khê đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP trên địa bàn quận Thanh Khê thời gian qua được tăng cường. TRONG ẢNH: Các tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ Xuân Hà. |
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thực hiện Kế hoạch số 1021/KH-PYT của UBND quận về triển khai công tác truyền thông ATVSTP, UBND các phường chỉ đạo bộ phận văn hóa-thông tin phối hợp Trạm Y tế tổ chức các đợt tuyên truyền về ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ thuộc phường quản lý; đồng thời lồng ghép tuyên truyền nội dung ATVSTP trong các buổi sinh hoạt tại tổ dân phố, khu dân cư. Nội dung các buổi tuyên truyền tập trung phổ biến kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân; huy động toàn thể nhân dân tham gia giám sát ATVSTP. Việc tăng cường công tác truyền thông về ATVSTP trên địa bàn quận Thanh Khê nhằm sớm đưa Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống, giúp mọi người dân nhận thức đầy đủ và chủ động trong việc tiêu dùng thực phẩm an toàn, vệ sinh.
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế quận cũng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về ATVSTP cho các chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận.
Tăng kiểm tra, xử phạt
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo quận, trong 9 tháng đầu năm 2016, Phòng Y tế quận đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên môn kiểm tra 689/801 cơ sở ăn uống thuộc phường quản lý và 87/178 cơ sở thuộc quận quản lý. Qua đó phát hiện 71 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 55 cơ sở, phạt cảnh cáo 8 cơ sở. Lực lượng chức năng cũng đã tịch thu, tiêu hủy một số mẫu thực phẩm có chứa hàn the, nước rửa chén không có nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Mới đây, trong tháng cao điểm về ATVSTP năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra 76 cơ sở dịch vụ ăn uống và sản xuất, trong đó có 56 cơ sở đạt chuẩn (đạt 74%), 20 cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP (chiếm 26%). Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phúc tra 10/19 cơ sở vi phạm, kết quả 100% cơ sở này đã kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng các yêu cầu về ATVSTP.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong quản lý thực phẩm an toàn trên địa bàn quận là việc kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố, do địa điểm kinh doanh không cố định, mang tính thời vụ và ngoài giờ hành chính. Các hộ kinh doanh cũng không có thói quen lưu hóa đơn mua hàng và không mở sổ nhập hàng nên không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh trong chợ chưa có hóa đơn bán lẻ để cung cấp cho khách hàng. Một thách thức khác của quận đó là dịch vụ nấu đám ngày càng phổ biến nhưng người hành nghề đa phần từ nơi khác đến nên cơ quan chức năng quận khó theo dõi, quản lý.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG