Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, địa vị của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị... Trước thềm Đại hội Phụ nữ thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THU HÀ (ảnh), Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng về những vấn đề trên.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà trao túi đi chợ may bằng bạt hiflex nhằm phát động phong trào sống xanh trong hội viên phụ nữ. Ảnh: NGỌC HÀ |
* Bà có thể cho biết những đóng góp thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ thành phố vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố trong nhiệm kỳ qua?
- Nét nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua là sự tham gia tích cực của các cấp Hội trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Thông qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khai thác, quản lý nguồn vốn từ các ngân hàng, chương trình, dự án, đặc biệt từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển của Hội LHPN thành phố..., các cấp Hội đã hỗ trợ vốn vay, phương tiện sinh kế cho 62.933 lượt phụ nữ (trong đó có 28.000 lượt phụ nữ nghèo) phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống với tổng số tiền trên 789 tỷ đồng; tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 30.000 lao động nữ.
Hội cũng đã vận động cán bộ, hội viên, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên 8 tỷ đồng hỗ trợ 635 gia đình phụ nữ xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thực hiện mục tiêu “Có nhà ở” trong chương trình “Thành phố 3 có” do thành phố đề ra.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em... luôn được các cấp Hội quan tâm và mang lại những hiệu quả nhất định, nhất là trong việc thực hiện đề án “Đà Nẵng Thành phố môi trường”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”...
Vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng; đại diện quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ của tổ chức Hội ngày càng được phát huy. Các cấp Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ, năng lực để tham gia hiệu quả trong công tác quản lý, lãnh đạo, nâng tỷ lệ nữ bình quân tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Trong đó, có nhiều cán bộ nữ giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan của thành phố, quận, huyện. Nữ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ thành phố đến phường, xã chiếm hơn 50%/tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có khu vực chiếm hơn 80%. Các cấp Hội đã hòa giải, tư vấn cho hàng ngàn lượt hội viên phụ nữ về vấn đề hôn nhân gia đình, nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Công tác giám sát, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới được các cấp Hội quan tâm và thực hiện hiệu quả hơn, đem lại lợi ích thiết thân cho các tầng lớp phụ nữ; góp phần thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của thành phố Đà Nẵng.
Đoàn Đại biểu phụ nữ tham dự Đại hội đại biểu Hội LHPN thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 dâng hương các anh hùng liệt sĩ sáng 5-10, tại Đài Tưởng niệm thành phố. |
* Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Hội và phong trào phụ nữ trong thời gian qua còn có những hạn chế gì? Theo bà, nguyên nhân do đâu?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Hội và phong trào phụ nữ trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế nhất định:
Thứ nhất, phong trào phụ nữ ở một số địa phương phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tâm huyết đóng góp của các tầng lớp phụ nữ. Nội dung sinh hoạt ở một số cơ sở Hội chưa phong phú, chưa thiết thực với hội viên. Việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội về luật pháp, chính sách, bình đẳng giới và chức năng đại diện của một số cơ sở còn lúng túng.
Thứ hai, một số chủ trương, phong trào thiếu giải pháp cụ thể nên tiến độ chậm hoặc chất lượng chưa cao. Chỉ tiêu phát triển hội viên, quản lý, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt Hội ở một số cơ sở Hội chưa đạt, chưa chặt chẽ; công tác mở rộng, tập hợp phụ nữ ở các doanh nghiệp, nữ trí thức, tiểu thương còn hạn chế.
Thứ ba, công tác nắm bắt tư tưởng và phát hiện các vụ vi phạm liên quan phụ nữ có nơi có lúc chưa kịp thời. Một số nơi, khi có vấn đề phát sinh, chưa phản ánh và có biện pháp xử lý phù hợp.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế đó là: Nguồn lực cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ còn hạn chế; một số cơ sở Hội chưa phát huy hết khả năng trong việc vận động, khai thác nguồn lực để tổ chức hoạt động phong trào tại địa phương.
Một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa đầy đủ về tôn chỉ, mục đích, vai trò nòng cốt của tổ chức Hội, yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong điều kiện mới, kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận động phụ nữ của một số cán bộ Hội còn hạn chế. Một số chương trình, kế hoạch phối hợp chưa chủ động và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, còn chồng chéo trong tổ chức thực hiện.
Mặt trái của kinh tế thị trường và ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa, hội nhập đã tác động trực tiếp đến đời sống, lối sống của một bộ phận phụ nữ, ảnh hưởng đến khả năng huy động, vận động phụ nữ và chất lượng hoạt động Hội.
* Trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN thành phố tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- Trong thời gian đến, có nhiều cơ hội lẫn thách thức đan xen, Hội LHPN thành phố sẽ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, ban, ngành để Hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình. Tiếp tục củng cố tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua các mô hình hoạt động; làm sao tạo khí thế phấn chấn, say mê, thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ để tham gia tích cực các chương trình, kế hoạch hoạt động của thành phố, trong đó tập trung vào những vấn đề cơ bản sau đây:
Các cấp Hội tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh” và hai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm: “Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy truyền thống, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, xây dựng gia đình hạnh phúc” , “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững” và “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội”. Ba nhiệm vụ này đã bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ cả tổ chức Hội đối với phụ nữ và vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị.
* Với tư cách là Chủ tịch Hội LHPN thành phố, trước thềm Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần này, bà có thông điệp gì gửi gắm đến đội ngũ cán bộ Hội và các hội viên?
- Tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến toàn thể cán bộ Hội và phụ nữ thành phố; xin cảm ơn các tầng lớp phụ nữ thành phố đã đồng hành với tổ chức Hội LHPN trong 5 năm qua.
Qua đây, đề nghị mỗi cán bộ Hội tiếp tục phát huy tâm huyết, tăng cường trách nhiệm hơn nữa để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị em phụ nữ nâng cao kiến thức về mọi mặt; phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo sự ổn định và phát triển của gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và phong trào phụ nữ cả nước. Tôi cũng hy vọng rằng, nhiệm kỳ này, tổ chức Hội chúng ta sẽ “đoàn kết và đổi mới” hơn; phụ nữ Đà Nẵng “tự tin và thanh lịch” hơn, xứng đáng với niềm tin và mong đợi của Đảng bộ, nhân dân thành phố.
* Xin cảm ơn bà!
CHUNG ANH thực hiện