.

Chị em ta là một gia đình

.

Sau khi ra đời từ Hội LHPN xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), đến nay, mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” đã được nhân rộng đến tất cả các cấp Hội trên địa bàn huyện. Trong đó, Hội LHPN xã Hòa Châu là một trong những đơn vị làm tốt mô hình này với những việc làm thiết thực, ý nghĩa cho đời sống phụ nữ xã.

Phụ nữ xã Hòa Châu luôn thân tình, sẵn sàng giúp đỡ nhau như chị em trong nhà.
Phụ nữ xã Hòa Châu luôn thân tình, sẵn sàng giúp đỡ nhau như chị em trong nhà.

Chiếc tủ kem vô giá

Ở thôn Phong Nam, nói về sự cơ cực, nếu chị Lê Thị Xí (52 tuổi) đứng thứ nhì thì có lẽ chẳng ai ở vị trí thứ nhất. Chồng chị Xí qua đời khi đứa con út mới 3 tháng tuổi. Chị gồng mình nuôi hai con gái ăn học đến lớp 12 chỉ với hai sào ruộng cùng số tiền ba cọc ba đồng từ việc làm thuê, làm mướn. “Tôi thuộc diện hộ “nghèo bền vững” của xã”, chị bày tỏ.

Đói ăn đã cực, nhưng tủi thân nhất là những khi trời lụt, nước ngập nhà lênh láng mà chẳng có bóng dáng đàn ông để phụ giúp.

Thương hoàn cảnh của chị, năm 2014, Hội Phụ nữ xã Hòa Châu hỗ trợ chị chiếc tủ kem trị giá 6 triệu đồng làm kế sinh nhai. Nhà gần trường học nên chị buôn bán rất khấm khá, mỗi ngày lời chừng 50.000 - 70.000 đồng từ việc bán kem, sữa chua, chè... cho học sinh. Cũng nhờ chiếc tủ kem này, năm 2015, chị đã thoát nghèo. Chị Xí bồi hồi: “Hồi đó, nghe được Hội cho tủ kem, tôi mừng run! Chở tủ về, bà con hàng xóm vỗ tay rần rần, mình thì đứng khóc. Trưa đó, mấy mẹ con được một bữa mì Quảng ăn mừng. Đối với mẹ con tôi, chiếc tủ kem này là vô giá”.

Cũng như chị Xí, chị Nguyễn Thị Siêm (53 tuổi, ở thôn Giáng Đông) là một trong rất nhiều trường hợp phụ nữ đơn thân được hỗ trợ từ mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Tháng 7 vừa qua, chị được Hội Phụ nữ xã Hòa Châu hỗ trợ 13 triệu đồng tu bổ lại căn nhà đã xuống cấp. Trong tháng 8, chị được Hội LHPN thành phố hỗ trợ 9 triệu đồng để mua bò giống. Đó là chưa kể cách đây 3 năm, Hội Phụ nữ xã Hòa Châu đã hỗ trợ chị mua heo giống. Tuy được các cấp quan tâm giúp đỡ nhiều nhưng hộ chị Siêm vẫn là hộ đặc biệt nghèo của xã bởi chị một nách ba con - một đứa 18 tuổi, một đứa 17 tuổi và đứa út 13 tuổi.

Mong được làm nhiều hơn

Xã Hòa Châu có tổng cộng 8 chi hội phụ nữ ở 8 thôn với gần 2.200 hội viên. Địa bàn rộng, phụ nữ đa phần làm nông, những tưởng việc tiếp xúc theo cách “3 biết”: biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của các hội viên sẽ gặp khó khăn. Ngược lại, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Châu lại khẳng định: “Có chi mô khó!”. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, hoàn cảnh của từng hộ phụ nữ đều được các chi hội trưởng nắm rõ mồn một. “Cái được lớn nhất của “3 biết, 2 hỗ trợ”, theo tôi là các cấp chi hội cảm thấy có trách nhiệm hơn, gắn chặt với phong trào hơn và hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn hơn”, chị Vân bày tỏ.

“2 hỗ trợ” của Hội Phụ nữ xã Hòa Châu là hỗ trợ vốn thông qua nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ tổ góp vốn quay vòng trong chi hội và hỗ trợ phương tiện sinh kế, việc làm thông qua nhu cầu thực tế của từng trường hợp. Kể từ khi mô hình được phát động, nhắc đến “3 biết, 2 hỗ trợ” thì hội viên ai cũng biết, nắm rõ và tích cực hơn với phong trào phụ nữ xã khi mắt thấy, tai nghe những việc làm hiệu quả của các cấp hội.

Nói được, làm được là vậy, nhưng chị Lê Thị Vân vẫn luôn trăn trở: “Còn nhiều mảnh đời cần mình giúp mà nguồn lực của hội lại quá hạn chế”.

Hiện tại, Hội tìm cách hỗ trợ thêm một trường hợp của chị Nguyễn Thị Anh (SN 1967, ở thôn Dương Sơn). Chị Anh là bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu năm tại Bệnh viện Đà Nẵng. Mới đây, trên đường được chồng đưa đến viện để chạy thận, chị không may bị tai nạn. Sức khỏe vốn yếu, kinh tế gia đình đã suy sụp nay càng kiệt quệ hơn. Chị Vân thổ lộ: “Lâu nay, Hội luôn hỗ trợ các trường hợp trên tinh thần có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều. Riêng trường hợp chị Anh, chúng tôi rất mong có mạnh thường quân nào giúp đỡ, bởi ba đứa con chị đều đang trong độ tuổi đi học”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.