Hội thảo “Lạm dụng bia, rượu” vừa diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến thú vị nhưng không kém phần “đau lòng” đã được diễn giải, cảnh báo thực trạng “Việt Nam là quốc gia lạm dụng bia, rượu”.
Theo thống kê, năm 2015, người Việt uống 3,4 tỉ lít bia và hàng trăm triệu lít rượu. Từ năm 2010 đến 2015, trong vòng 5 năm, số lượng người Việt uống rượu, bia ở mức độ nguy hại tăng gấp đôi, từ 25% lên 44%.
Nghiện ngập bia rượu kéo theo bao hệ lụy tai hại: Thời gian là vàng ngọc, thời gian dành cho học tập và làm ra của cải cho xã hội, nhưng người ta lại dành cho say xỉn, cà rề cà rà rượu bia. Nghiện ngập rượu, bia tổn hại đến sức khỏe, bệnh tật và cả chất lượng giống nòi. Đàn ông nghiện rượu, con cái sinh ra thường mắc bệnh tự kỷ, thậm chí tâm thần, đầu óc trở nên đần độn. Nghiện ngập, say xỉn dẫn đến bạo lực, không kiểm soát được hành vi, gây gổ đánh vợ, đuổi con, đánh cả hàng xóm, tan cửa nát nhà. Các chuyên gia cảnh báo: Số tiền người Việt hàng năm đổ vào bia, rượu đủ mua lương thực nuôi sống 21 triệu người. Thời gian lãng phí vào những cuộc rượu, bia hàng năm ước tính mất khoảng 1 triệu ngày công.
Lạm dụng, nghiện ngập bia, rượu ở mức độ độc hại làm tha hóa nhân phẩm con người, tạo nếp sống xã hội nhếch nhác, lãng phí lớn. Không thể không nói, lạm dụng, nghiện ngập bia, rượu làm cho kinh tế - xã hội chậm phát triển, càng đẩy xa thêm, sâu hơn sự tụt hậu về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vì tương lai của dân tộc, phát triển lành mạnh của giống nòi và sự phồn vinh của đất nước, đã đến lúc Nhà nước phải có những biện pháp, giải pháp mạnh để ngăn chặn tệ nạn lạm dụng rượu, bia. Trước hết, trên hết là ngăn chặn nạn bia, rượu say xỉn trong cán bộ, công chức, viên chức, trong giới trẻ, thanh niên, sinh viên.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về không sử dụng rượu, bia trong giờ trưa và giờ làm việc; nhiều địa phương cũng chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc, nghiêm cấm uống bia, rượu giữa trưa, giữa ca; hạn chế tiếp khách bằng bia, rượu. Những chỉ thị, nghị quyết đó có kết quả bước đầu, được nhân dân và dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, mức xử phạt, kỷ luật những người vi phạm chưa đủ sức răn đe. Cần coi hành vi lạm dụng bia rượu là vi phạm pháp luật. Quốc hội khóa XIV cần bàn thảo và sớm thông qua, ban hành đạo luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng bia, rượu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề tổ chức diễn đàn, vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu hạn chế uống và tiếp khách bằng bia, rượu, không say xỉn, nghiện ngập.
Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là làm cho mọi người, mọi nhà, toàn xã hội nhận thức sâu sắc sự nguy hại của việc lạm dụng, sự dụng quá đà rượu, bia, say xỉn. Vận động đi đôi với xử phạt nghiêm minh bằng biện pháp hành chính, biện pháp pháp luật… chắc chắn sẽ hạn chế, từng bước ngăn chặn tệ nạn nghiện rượu.
Các cơ quan có trách nhiệm rất cần tổ chức sâu rộng cuộc vận động và bằng các giải pháp mạnh tay chống lạm dụng rượu, bia. Hành động đồng bộ và quyết liệt, nhất định góp phần ngăn chặn lạm dụng rượu, bia.
Phạm Quốc Toàn