Chính trị - Xã hội
Đà Nẵng kiến nghị Trung ương xem xét điều tiết ngân sách
Trước thông tin Quốc hội sẽ xem xét tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương của thành phố Đà Nẵng năm 2017 dự kiến giảm đến 17% so với năm 2016, ngày 24-10, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã ký Tờ trình số 8754/TTr-UBND đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính xem xét lại dự toán năm 2017 và tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng của thành phố Đà Nẵng trước khi Quốc hội phê chuẩn.
Đà Nẵng đang huy động nhiều nguồn lực để tiếp tục phát triển thành phố trong giai đoạn đến. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo đó, về thu ngân sách, dự kiến số giao dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2017 cho thành phố Đà Nẵng là 18.045 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu nội địa trong cân đối không kể thu tiền sử dụng đất, thu lợi nhuận chênh lệch và thu từ xổ số là 15.801 tỷ đồng. So với khả năng thực hiện năm 2016 của thành phố có thể đạt được là 12.279 tỷ đồng thì tăng 28,68%. Trong đó, lĩnh vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 4.457 tỷ đồng (đã loại trừ môn bài, thu phạt của cơ quan thuế). So với số ước thực hiện năm 2016 là 3.150 tỷ đồng thì bằng 141,5%.
Như vậy số dự kiến giao thu là quá cao so với khả năng nguồn thu này trên địa bàn thành phố. Vì trên thực tế số thu đến hết tháng 9-2016 đối với lĩnh vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh là 2.428 tỷ đồng. Uớc tính khả năng thực hiện năm 2016 khoảng 3.200 đến 3.300 tỷ đồng (bao gồm thu môn bài, thu phạt của cơ quan thuế). Việc giao chỉ tiêu tăng cao không phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến việc tạo áp lực tăng thu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đi ngược lại với chủ trương khuyến khích hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Do vậy, UBND thành phố đề nghị xem xét lại dự toán thu lĩnh vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh năm 2017 của thành phố Đà Nẵng với mức 4.000 tỷ đồng (không bao gồm thuế môn bài, thu phạt của cơ quan thuế), bằng 127% so với ước thực hiện năm 2016 (4.000/3.150) là phù hợp với khả năng phấn đấu của địa phương và tỷ lệ tăng thu đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về chi đầu tư phát triển, theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, định mức quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của thành phố 5 năm (phân bổ 90%) là hơn 8.400 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2016 là hơn 1.944 tỷ đồng. Như vậy, 4 năm còn lại (2017 - 2020) là hơn 6.456 tỷ đồng, bình quân 1 năm là 1.614 tỷ đồng, chỉ bằng 83% của năm 2016. Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg thì nguồn vốn này của thành phố năm 2017 sẽ tăng 10% so với kế hoạch vốn đã giao năm 2016 là 2.200 tỷ đồng.
Mặt khác, theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg, các số liệu để phục vụ tính toán đều lấy từ các năm trước nên đến nay không còn phù hợp như: dân số trung bình, số người dân tộc thiểu số theo số năm 2014; thu nội địa theo số giao dự toán năm 2015; tỷ lệ điều tiết theo thời kỳ ổn định 2011-2015. Từ đó tính toán ra tổng vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí và tổng vốn đầu tư năm 2017 (tăng 10% so với năm 2016) của thành phố là rất thấp.
Đặc biệt, vốn đầu tư năm 2017 là căn cứ để xác định tỷ lệ điều tiết giai đoạn 2017-2020 là không hợp lý, nhất là Trung ương dự kiến số thu ngân sách Nhà nước năm 2017 của địa phương khá cao. Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng đất của thành phố để đầu tư cho các công trình những năm trước là rất lớn (từ 3.200 - 4.700 tỷ đồng); tuy nhiên cơ cấu nguồn thu này trong thời gian đến sẽ giảm mạnh do quỹ đất ngày càng thu hẹp (dự kiến chỉ chiếm 12-14% trong tổng thu nội địa), dẫn đến tổng vốn đầu tư trong cân đối của ngân sách thành phố năm 2017 và những năm đến sẽ giảm mạnh. Trong khi nhu cầu đầu tư của thành phố trong các năm đến rất lớn, bình quân mỗi năm của giai đoạn 2017-2020 là 7.250 tỷ đồng (bình quân mỗi năm của giai đoạn 2011-2016 khoảng 5.863 tỷ đồng).
Để bảo đảm tỷ lệ điều tiết phù hợp với nguồn thu và nhiệm vụ chi, thành phố đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2017, ngoài các tiêu chí phân bổ theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ thì quan tâm xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư cho thành phố Đà Nẵng năm 2017 là 3.300 tỷ đồng để thành phố có đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ theo Kết luận số 75/KL-TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn tới.
Về tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng giai đoạn 2017-2020, để bảo đảm dự toán ngân sách năm 2017 Quốc hội thông qua phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước cũng như sát với tình hình thực tế của địa phương, không làm giảm quá lớn tỷ lệ điều tiết của ngân sách địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển, UBND thành phố đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh giảm dự toán thu, phân bổ tăng dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách tập trung, để từ đó xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương hưởng của Đà Nẵng khoảng 80%, giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016.
UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính xem xét, rà soát lại để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, quyết định tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng bảo đảm đủ nguồn lực triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 và Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 của Bộ chính trị (khóa XI)
Được biết, theo số liệu dự toán 2017 đang trình Quốc hội, Đà Nẵng là 1 trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách trong giai đoạn 2017-2020 với tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đang trình Quốc hội xem xét là 68%. So với tỷ lệ điều tiết giai đoạn 2011-2016 (85%) thì tỷ lệ điều tiết của Đà Nẵng đã giảm 17%, là địa phương có tỷ lệ điều tiết giảm nhiều nhất toàn quốc.
So với các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ, tỷ lệ điều tiết chỉ giảm tối đa khoảng 10%, thì việc giảm quá lớn tỷ lệ điều tiết của thành phố Đà Nẵng sẽ làm giảm hẳn nguồn lực của địa phương, không bảo đảm để Đà Nẵng trở thành hạt nhân, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
PHỤ LỤC Tỷ lệ % điều tiết về cho địa phương đối với khoản thu phân chia (Kèm theo Tờ trình số: 8754 /TTr-UBND ngày 24-10-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng)
|
||||||||
|
|
|
|
|
|
ĐVT: % |
||
STT |
Tỉnh/thành phố |
Tỷ lệ điều tiết (%) ngân sách địa phương được hưởng |
Tăng, giảm tỷ lệ điều tiết (2017-2020) so với (2011-2016) |
|||||
2007-2010 |
2011-2016 |
Dự kiến 2017-2020 |
||||||
A |
B |
1 |
2 |
3 |
4=3-1 |
|||
1 |
Đà Nẵng |
90 |
85 |
68 |
-17 |
|||
2 |
Hải Phòng |
90 |
88 |
78 |
-10 |
|||
3 |
Bắc Ninh |
100 |
93 |
83 |
-10 |
|||
4 |
Quảng Nam |
100 |
100 |
90 |
-10 |
|||
5 |
Hà Nội |
31 |
42 |
35 |
-7 |
|||
6 |
Vĩnh Phúc |
67 |
60 |
53 |
-7 |
|||
7 |
Hưng Yên |
100 |
100 |
93 |
-7 |
|||
8 |
Quảng Ninh |
76 |
70 |
65 |
-5 |
|||
9 |
Khánh Hòa |
53 |
77 |
72 |
-5 |
|||
10 |
TP. Hồ Chí Minh |
26 |
23 |
18 |
-5 |
|||
11 |
Đồng Nai |
45 |
51 |
47 |
-4 |
|||
12 |
Bình Dương |
40 |
40 |
36 |
-4 |
|||
13 |
Hải Dương |
100 |
100 |
98 |
-2 |
|||
14 |
Cần Thơ |
96 |
91 |
91 |
0 |
|||
15 |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
46 |
44 |
64 |
20 |
|||
16 |
Quảng Ngãi |
100 |
61 |
88 |
27 |
VIỆT DŨNG