.

Đà Nẵng: phấn đấu xóa hết 1.960 hộ nghèo đặc biệt khó khăn vào năm 2019

.

ĐNĐT - Ngày 15-10, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG cho hay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực hơn 47.000 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, qua đó thực hiện nhiều chính sách và chương trình giảm nghèo, đưa mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo của cả nước đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trường kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, công tác giảm nghèo đã được triển khai thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù, tạo cơ chế thuận lợi để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện.

Trong từng giai đoạn, mức chuẩn nghèo của thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương và thường hoàn thành trước mục tiêu từ 2-3 năm. Qua 5 năm, thành phố đã huy động gần 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới nhà cho 1.111 hộ, sửa chữa cho 2.168 hộ; mua BHYT cho 450.070 lượt người nghèo; miễn giảm học phí cho gần 40.000 lượt học sinh. Đặc biệt đã ưu tiên, bố trí chung cư cho 638 hộ nghèo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Có nhà ở” và tạo điều kiện cho hộ nghèo của thành phố được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 2-3%...

Mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Phấn đấu đến cuối năm 2019 thành phố xóa hết 1.960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đến cuối năm 2020 hoàn thành xóa nghèo cho trên 20.000 hộ (còn sức lao động) theo mục tiêu của Đề án đã đề ra.

Hội nghị cho biết, mục tiêu cụ thể của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là: góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần)… Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 48.300 tỷ đồng chia thành 5 dự án thành phần.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao các cấp, ngành, các địa phương cùng sự vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế nên tạo ra sức mạnh to lớn trong quá trình triển khai thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế như: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước; nhiều chủ trương chưa được làm tốt; hạ tầng dân trí vùng sâu vùng xa nhiều nơi còn khó khăn; nhiều chương trình, chính sách còn chồng chéo…

Thời gian tới, để đảm bảo các mục tiêu chương trình đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều.

Các địa phương cần xây dựng, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đổi mới cách thức và giải pháp tổ chức thực hiện giảm nghèo phù hợp với đặc điểm của địa bàn; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực của xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào này.

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.