Ngày 5-10, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định việc thành phố triển khai Đề án trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em bắt đầu từ ngày 1-10 là một việc làm ý nghĩa, được người dân thành phố đánh giá cao và ủng hộ; giúp chính quyền gần hơn với người dân, tạo được lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: QUỐC KHẢI |
Để nâng cao hơn nữa công tác cải cách hành chính, hướng đến hoàn thiện nền hành chính phục vụ, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở Nội vụ cùng các quận, huyện trên địa bàn tích cực tìm tòi, nghiên cứu những giải pháp mạnh hơn, căn cơ hơn trong công tác cải cách hành chính, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. “Cải cách hành chính phải thực hiện một cách thường xuyên và liên tục, không nên tự thỏa mãn với những thành tích đạt được. Phải làm thế nào để người dân và các doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính một cách đơn giản, thuận tiện nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng mặc dù địa phương đã có những bước cải cách hành chính mạnh mẽ nhưng vẫn còn một số thủ tục rườm rà, đặc biệt vẫn còn tình trạng cán bộ có thái độ quan liêu, làm xấu hình ảnh bộ máy chính quyền trong mắt người dân. Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị các sở, ban, ngành và các quận, huyện đẩy mạnh công tác giám sát cán bộ, công chức (CBCC), chấn chỉnh thái độ làm việc, phẩm chất đạo đức của CBCC nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ trong việc tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Trước mắt, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ban, ngành, các quận, huyện nghiên cứu, triển khai các trang thiết bị phục vụ cho việc đánh giá CBCC ngay tại khu vực thực hiện thủ tục hành chính. “Các trang thiết bị, dịch vụ đánh giá CBCC khi được trang bị phải đơn giản hóa để người dân dễ dàng sử dụng. Phải bảo đảm ít nhất trên 50% người dân sử dụng dịch vụ này sau khi làm thủ tục hành chính”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có 21 hồ chứa, dù dung tích không lớn nhưng nếu xảy ra hư hỏng, đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân sống ở khu vực hạ du; trong khi đó nhân lực quản lý và nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi vẫn còn hạn chế.
Theo dự thảo về phân cấp quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi, công trình đê kè trên địa bàn thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý các công trình quan trọng, có dung tích trên 500.000m3 và có dân cư sinh sống tập trung ở vùng hạ du; các địa phương sẽ quản lý, bảo vệ tại các công trình quy mô nhỏ.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đồng ý với phương án phân cấp quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương phải tăng cường phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng các công trình thủy lợi.
Phiên họp cũng thảo luận và thông qua dự thảo mức thu giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) do Sở Tài chính trình; quy trình về tiếp nhận và xử lý vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố do Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
QUỐC KHẢI