.
Đối thoại đầu tuần

Đeo bám đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri

.

Cùng với tinh thần cải tiến hoạt động của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị thành phố Đà Nẵng tích cực đổi mới hoạt động, thể hiện rõ nhất trong phương thức tiếp xúc cử tri ngày càng sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng mà cử tri thành phố kiến nghị đến QH. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng (ảnh) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng.

* Cử tri thành phố đồng tình và đánh giá cao sự đổi mới trong tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng thời gian qua, nhất là tiếp xúc cử tri tại trụ sở các phường, xã. Sự thay đổi đáng mừng đó xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Kết quả đó trước hết xuất phát từ quy định của pháp luật về trách nhiệm của đại biểu QH là phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi đại biểu QH thành phố phải thường xuyên đổi mới hình thức tiếp xúc với cử tri, đi sâu, đi sát, tăng cường tiếp xúc ở cơ sở để thấu hiểu đời sống của nhân dân, qua đó kịp thời lắng nghe, thu thập đầy đủ, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri với QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và thành phố để xem xét, giải quyết. Đây cũng là yêu cầu được cử tri đặt ra tại các cuộc tiếp xúc mà đòi hỏi Đoàn ĐBQH thành phố phải có sự thay đổi trong hoạt động tiếp xúc cử tri của mình.

* Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa ĐBQH thành phố với hội viên Hội Cựu chiến binh và nữ doanh nhân thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố vừa qua, nhiều kiến nghị rất xác đáng và chất lượng hơn được đưa ra. Theo ông, đây có phải là giải pháp tốt để kịp thời nắm bắt ý kiến cử tri đối với từng nhóm vấn đề cụ thể, từ đó đề xuất QH nghiên cứu giải quyết kịp thời những kiến nghị đó?

- Đúng vậy, đây chắc chắn là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong những năm gần đây và đã được luật hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Bên cạnh hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp QH, căn cứ vào nội dung dự kiến của kỳ họp Ủy ban Thường vụ QH gửi về địa phương, Đoàn ĐBQH thành phố lựa chọn chuyên đề, nhóm đối tượng cũng như hình thức tiếp xúc phù hợp để nghe cử tri phản ánh những bức xúc từ thực tiễn có liên quan. Qua đó, giúp các vị ĐBQH trong Đoàn có thêm thông tin tham gia cùng với QH quyết định chính xác hơn những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chúng tôi rất mừng vì cử tri thành phố ủng hộ hình thức tiếp xúc này. Do vậy, trong thời gian đến, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa hoạt động tiếp xúc chuyên đề; mỗi vị ĐBQH trong đoàn sẽ chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, gửi đến đoàn để xây dựng kế hoạch chung và triển khai thực hiện nhằm làm sao vừa lắng nghe kịp thời tiếng nói, nguyện vọng của cử tri, đồng thời chuyển tải kịp thời những thông điệp chính đáng đó đến các diễn đàn của QH.

* Thưa ông, đối với những vấn đề bức xúc được cử tri kiến nghị, điển hình như tình trạng khai thác đá gây ô nhiễm môi trường và vận chuyển đá làm xuống cấp tuyến đường tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, được Đoàn ĐBQH thành phố trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng thành phố xử lý ngay sau buổi tiếp xúc. Đến nay, việc giải quyết bức xúc này đến đâu? Trong thời gian đến, Đoàn ĐBQH thành phố có những giải pháp như thế nào để tăng cường thực hiện chức năng giám sát các vấn đề nổi cộm ở địa phương?

Sau phản ánh của cử tri huyện Hòa Vang, Đoàn ĐBQH thành phố kiểm tra thực tế việc khai thác, vận chuyển đá ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh (thứ ba, trái sang), đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng thị sát tại mỏ đá Phước Thuận.
Sau phản ánh của cử tri huyện Hòa Vang, Đoàn ĐBQH thành phố kiểm tra thực tế việc khai thác, vận chuyển đá ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh (thứ ba, trái sang), đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng thị sát tại mỏ đá Phước Thuận.

- Sau khi đến hiện trường quan sát thực tế phản ánh của cử tri, Đoàn ĐBQH thành phố đã trao đổi với lãnh đạo UBND thành phố xem xét, giải quyết vấn đề này. Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác, vận chuyển đất, đá đến đời sống của người dân tại khu vực, Chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất về hướng tuyến đường công vụ số 1, số 2 và vị trí bố trí cầu rửa xe phục vụ các phương tiện vận chuyển vật liệu khoáng sản; rà soát lại tất cả các đơn vị khai thác khoáng sản liên quan tại khu vực xã Hòa Nhơn và nghiên cứu phương án đóng góp kinh phí trên cơ sở công suất, trữ lượng, thời gian khai thác của các đơn vị để sớm triển khai tuyến đường vận chuyển.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra cùng các ngành, địa phương liên quan tổng rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp, dự án hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố; yêu cầu các doanh nghiệp phải ký biên bản cam kết riêng ràng buộc về tính pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và phục hồi môi trường khu vực có dự án khai thác đất đồi.

Gần đây nhất, ngày 5-9-2016, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục có Công văn số 7388/UBND-QLĐTh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố. Điều đó, khẳng định một lần nữa chủ trương nhất quán của thành phố “không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế-xã hội”. Trong thời gian đến, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ tăng cường việc đi thực tế, tiếp xúc với bà con cử tri, kịp thời nắm bắt những vấn đề nổi cộm của địa phương để kiến nghị với thành phố xem xét, giải quyết; đồng thời theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

VIỆT DŨNG thực hiện

;
.
.
.
.
.