.

Dự án đường gom đường sắt: Dân giao đất mở đường

.

Dọc theo phía tây đường Trường Chinh, nhân dân có nhà ở ven đường sắt thuộc các phường Hòa An, Hòa Phát, quận Cẩm Lệ vui vẻ tự giải tỏa, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đường gom. Những ngôi nhà mới được xây dựng lại khang trang, xóa cảnh nhà ở xập xệ hơn mấy chục năm qua.

Thi công tuyến đường gom đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm.
Thi công tuyến đường gom đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm.

Dự án đường gom đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm là công trình trọng điểm của thành phố năm 2016. Để triển khai dự án, UBND quận Cẩm Lệ nỗ lực trong công tác chuẩn bị dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng.

Từ những ngày đầu năm 2015, UBND quận Cẩm Lệ cùng UBND 2 phường Hòa An và Hòa Phát tổ chức họp dân, thông báo chủ trương đến từng hộ gia đình bị ảnh hưởng dự án mở đường gom dọc đường sắt. Hầu hết người dân 2 phường ủng hộ chủ trương này, chỉ có một số hộ còn băn khoăn về mức hỗ trợ, đền bù sao cho thỏa đáng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như 100% hộ gia đình đều thống nhất chủ trương về đền bù giải tỏa. Việc triển khai dự án đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, bởi từ bao đời nay, cuộc sống người dân dọc đường sắt chịu nhiều thiệt thòi về phát triển kinh tế, tiềm ẩn hiểm nguy.

Để triển khai dự án, Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Cẩm Lệ đã hoàn tất thẩm định hồ sơ pháp lý, phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố thực hiện đền bù, giải tỏa. Toàn tuyến có 804 hồ sơ đền bù, giải tỏa; trong đó, phường Hòa An có 216 hồ sơ, phường Hòa Phát có 162 hồ sơ và phường Hòa Thọ Tây có 3 hồ sơ.

Đến nay toàn tuyến đã có trên 150 hồ sơ giải tỏa bàn giao mặt bằng. Tiến độ bàn giao mặt bằng tăng lên từng ngày. Các hộ giải tỏa rất phấn khởi về chủ trương đầu tư xây dựng đường gom và các chính sách có lợi cho họ như thưởng tiến độ khi bàn giao mặt bằng sớm, hỗ trợ trượt giá khi áp giá đền bù, được tạo thuận lợi trong cấp phép xây dựng để làm lại nhà mới ngay tại nơi ở cũ. Hộ giải tỏa đi hẳn được bố trí tái định cư ở những dự án khu dân cư mới ngay tại địa phương.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện chính sách đền bù cho hộ giải tỏa. Một số trường hợp thu hồi đất được linh hoạt vận dụng chính sách đền bù giải tỏa theo hướng có lợi cho người dân. Hộ giải tỏa thu hồi một phần diện tích có diện tích thu hồi từ 75m2-100m2 được bố trí thêm một lô đất ở tái định cư. Có trường hợp như hộ ông Trần Viết Em có 4 hồ sơ thu hồi đất, ông Trần Thanh Sơn có 2 hồ sơ thu hồi đất nhưng diện tích mỗi hồ sơ nhỏ lẻ, rải rác đều được xem xét và giải quyết cộng dồn diện tích thu hồi để đảm bảo về bố trí đất ở tái định cư.

“Chủ trương triển khai dự án tuyến đường gom đường sắt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm là chủ trương hợp lòng dân, không chỉ có ý nghĩa về việc cải thiện đời sống văn hóa văn minh đô thị mà còn tạo cơ hội để người dân làm ăn phát triển kinh tế. Tuyến đường gom đóng vai trò kết nối khu vực dân cư phía nam đường Tôn Đản ra đường Trường Chinh, đi về trung tâm thành phố và các vùng khác”, ông Lê Văn Sơn khẳng định.

 Tuyến đường gom mới có mặt đường rộng 5m, vỉa hè rộng 1,5m; có hàng rào tôn lượn sóng 2 tầng cách mép ray đường sắt ngoài cùng 3m. Phạm vi giải tỏa hành lang an toàn đường sắt với tổng bề rộng 11m (tính từ mép ray ngoài cùng) để bố trí hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng; trong đó thành phố chịu trách nhiệm bố trí vốn đền bù giải tỏa, Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn xây dựng tuyến đường gom. Sau khi dự án hoàn thành, diện mạo đô thị của tuyến đường được thay đổi, cải thiện mỹ quan. Theo định hướng phát triển trong tương lai, đường Trường Chinh sẽ là đại lộ giao thông nội thành theo trục bắc-nam.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.