Chính trị - Xã hội
Công đoàn quyết tâm bảo vệ người lao động
Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội bấy lâu nay. Tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng và trốn đóng BHXH đã diễn ra khá nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến người lao động (NLĐ).
Công đoàn luôn nỗ lực và quyết tâm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Trong ảnh: Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tổ chức đối thoại nhằm lắng nghe những phản ánh từ người lao động. Ảnh: PHAN HÀ |
Tình trạng này sẽ còn xảy ra thường xuyên nếu các cơ quan chức năng không có những giải pháp căn cơ để xử lý.
Hàng loạt doanh nghiệp nợ đọng, chiếm dụng BHXH
Chính sách BHXH là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ trừ tiền BHXH trong khoản thu nhập của NLĐ. NLĐ sẽ an tâm với các chính sách mà mình được hưởng. Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động khi phát sinh về hưởng chính sách BHXH thì mới biết tiền đóng BHXH của mình thay vì nộp ở cơ quan BHXH thì lại đang nằm trong “túi” của doanh nghiệp.
Theo số liệu của cơ quan BHXH thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 6-2016, có 3.632 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nợ BHXH với tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 149,462 tỷ đồng.
Trong đó, có 10 doanh nghiệp nợ tổng cộng gần 48 tỷ đồng… Hệ quả là hàng ngàn công nhân lao động bị mất quyền lợi về hưởng các chính sách BHXH, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp căng thẳng, dễ dẫn đến ngừng việc. Ngoài ra, nhiều trường hợp NLĐ nghỉ việc ở những doanh nghiệp nợ BHXH khi tìm được việc làm mới thì cơ quan BHXH không thể chốt sổ BHXH cho NLĐ, hoặc lao động nữ có thai chậm được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau…
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Có thực trạng trên, về khách quan có thể thấy rằng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động nên không có nguồn kinh phí trả lương và đóng BHXH, BHYT cho NLĐ.
Quy định việc xử lý vi phạm Luật BHXH chưa nghiêm, mức xử phạt còn nhẹ; lãi suất phạt nộp chậm trước năm 2016 thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng thương mại. Từ khi thành lập ngành BHXH năm 1995 đến năm 2015, cơ quan BHXH không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt nên tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật hạn chế. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của một số chủ sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ còn rất hạn chế khi chỉ chú trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh hơn là bảo đảm chính sách cho NLĐ”.
Công đoàn quyết tâm vào cuộc
Có thể nói, việc chiếm dụng, nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp là một bài toán rất cũ nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Bởi lẽ, đây là vấn đề được nhắc đi nhắc lại trên rất nhiều diễn đàn, hội nghị nhưng quyền lợi NLĐ vẫn chưa được bảo vệ đúng mức.
Giải pháp hiện nay mà các cơ quan chức năng đang làm là phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo một “chu kỳ”: Qua đợt kiểm tra, các doanh nghiệp đều nhanh chóng đóng số tiền nợ BHXH (đóng gối đầu), nhưng khi hết đợt kiểm tra thì các DN tiếp tục nợ BHXH; chờ đến đợt thanh tra, kiểm tra tiếp theo mới đến nộp.
Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích của NLĐ, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Đơn cử là Công ty TNHH MTV C.Đ.X đóng trên địa bàn khu công nghiệp Hòa Khánh, dịp cuối năm 2015, khi đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc, doanh nghiệp này thực hiện việc trích nộp hết tiền BHXH nhưng đến thời điểm này lại nợ số tiền rất lớn.
Các cán bộ Công đoàn vẫn trăn trở trong việc tìm giải pháp thực sự thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ trong vấn đề BHXH. “Công nhân làm việc rất vất vả với đồng lương ít ỏi, hằng tháng được công ty trừ tiền BHXH qua lương. Tuy nhiên, đến lúc ốm đau, bệnh tật, thai sản, họ phải tự trả tiền các khoản mà lẽ ra họ đương nhiên được thụ hưởng. Chúng tôi thực sự rất đau lòng và thấy “nợ” NLĐ quá nhiều. Chính những điều ấy đã khiến tổ chức Công đoàn quyết tâm làm quyết liệt trong vấn đề nợ đọng, chiếm dụng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ thành phố chia sẻ.
Giải pháp mà LĐLĐ thành phố đưa ra là thực hiện khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. “Song song với các công tác như tuyên truyền về BHXH, tăng cường công tác phối hợp liên ngành LĐLĐ thành phố, BHXH thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố về thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, LĐLĐ thành phố đã mạnh dạn khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về nợ đọng BHXH của NLĐ”, ông Triết cho biết.
Điển hình cho sự quyết tâm trên, tháng 6 vừa qua, LĐLĐ thành phố đại diện cho 19 công nhân lao động khởi kiện Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng vì đã “giữ” tiền BHXH, trợ cấp thôi việc của NLĐ. Tòa án ra phán quyết NLĐ thắng kiện và công ty đã nộp tiền BHXH cho NLĐ; NLĐ được chốt sổ BHXH, thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc theo quy định. Việc thắng kiện đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH chính là động lực để Công đoàn tự tin hơn trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ.
“Chúng tôi đã đề nghị các cấp Công đoàn rà soát, lập danh sách các trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH, kinh phí Công đoàn. Trên cơ sở đó, LĐLĐ thành phố, dưới sự chỉ đạo của Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sẽ nghiên cứu thí điểm khởi kiện doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, để có môi trường kinh doanh hấp dẫn cho thành phố, không ai muốn đưa doanh nghiệp ra tòa.
Nhưng để bảo vệ quyền lợi NLĐ, Công đoàn chúng tôi phải thực sự mạnh mẽ với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Chúng tôi chỉ mong sao các doanh nghiệp song song với việc chú trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì cần chăm lo đến đời sống NLĐ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm với NLĐ theo quy định của pháp luật. Chỉ khi đó, mối quan hệ lao động mới bảo đảm hài hòa, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Triết chia sẻ.
PHAN HÀ