Chính trị - Xã hội
Hãy xem người cao tuổi là một nguồn lực
Hiện nay, Việt Nam có 10 triệu người cao tuổi (NCT), dự báo con số này sẽ tăng lên 32 triệu vào năm 2050 và nước ta sẽ nằm trong tốp 10 nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này tạo ra những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phát triển bền vững của quốc gia và đặc biệt là yêu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.
Người cao tuổi tham gia biểu diễn tại Lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam. |
Từ năm 2011 đến nay, nước ta có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Tỷ lệ nhóm NCT trong cơ cấu dân số tăng nhanh liên tục từ 7,1% năm 1989 lên 8,7% năm 2009 và 10,5% năm 2013. Chỉ số già hóa dân số tăng nhanh và tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, thời gian quá độ chuyển sang dân số già của nước ta chỉ có 15 năm. Điều này đã đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe đối với người già ở Việt Nam.
NCT nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thường mắc các bệnh mãn tính. Hơn 60% ở tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu. Các bệnh mãn tính thường gặp là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... phải điều trị suốt đời. Với thực trạng bệnh như trên nhưng NCT chưa có các biện pháp phòng ngừa, quản lý bệnh tật. Phần lớn NCT chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ và hiện nay chỉ có khoảng 60% NCT tham gia bảo hiểm y tế, 40% còn lại phải chi trả hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, tỷ lệ NCT tăng nhanh trong cơ cấu dân số là thành tựu chung của xã hội. Vì thế, NCT không phải là gánh nặng mà là một nguồn lực của gia đình, cộng đồng.
Chăm sóc NCT là vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt. Thực tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ. Mạng lưới y tế dành cho NCT chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, kỹ năng. Cả nước hiện nay có 49/63 bệnh viện có khoa Lão, đây chính là “lỗ hổng” của ngành Y tế. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, việc điều trị phải kết hợp phục hồi chức năng và chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý. Vì vậy việc cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT là rất cần thiết và cần sự tuyên truyền từ cộng đồng về vấn đề này.
Già hóa dân số tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, cần bảo đảm đưa vấn đề “già hóa” và nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT; khuyến khích và tạo điều kiện để NCT tiếp tục tham gia các hoạt động phù hợp với điều kiện sức khỏe và kỹ năng làm việc sẵn có.
Bài và ảnh: Mai Khuê