Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tổ chức sáng 27-10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, đánh giá cao các ý kiến đóng góp các đại biểu tại hội nghị và đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp thu nghiêm túc, toàn diện các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ thời gian qua, với sự lãnh đạo kiên quyết của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của các cơ quan Nhà nước và nhân dân, công cuộc PCTN, lãng phí bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe dọa đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu xác định công khai, minh bạch phải thực sự là giải pháp đột phá trong PCTN, có cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập và tài sản. Đặc biệt, xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nằm trong “giỏ” pháp luật; cần cụ thể hóa giám sát cơ quan trong Đảng, của Quốc hội, các cơ quan tố tụng, các cơ quan khác thực sự hữu hiệu hơn nữa đối với công cuộc PCTN và lãng phí.
Phó Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin-cho và các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng. Xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng chống cho tốt với phương châm cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng.
Trước mắt, giải pháp đột phá là việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có vùng cấm, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn các tội phạm tham nhũng và lãng phí.
Theo thông tin từ hội nghị, trong 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm đạt 99,5%, công khai bản kê khai đạt tỷ lệ 98,3%; có 4.859 trường hợp được xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập; trên 72% cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản...
Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ với 7.789 bị can; Viện Kiểm sát Nhân dân đã truy tố 2.770 vụ và 6.480 bị can; Tòa án Nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án và 5.749 bị cáo về các tội tham nhũng.
Theo Chinhphu.vn