.

Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng cho phát triển

.

Sáng 20-10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ: Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ hai diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề chủ yếu: Xem xét, thông qua một số dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật. Xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Xem xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và một số báo cáo chuyên đề khác. Xem xét báo cáo giám sát “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và xem xét, thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”… cùng những nội dung quan trọng khác.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Theo đó, nhìn chung 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%). Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Khu vực nông nghiệp đang phục hồi, 9 tháng tăng 0,65% (quý 1 giảm 1,23%, 6 tháng giảm 0,18%). Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%. Cùng với công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, Chính phủ đã chủ động tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và bão, lũ ở miền Bắc, miền Trung... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề; Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể của năm 2017 gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%. Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%...

5 kiến nghị của cử tri và nhân dân

Trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, đại đa số cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chia sẻ và đồng tình với tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét, tiếp thu. Tại Kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 5 kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các chính sách và văn bản pháp luật được ban hành; tăng cường giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân đã kiến nghị. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới đạt các chuẩn mực cao của các nước ASEAN, trong đó lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền, nhất là của chính quyền cơ sở, làm thước đo chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đề nghị cả hệ thống chính trị khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương đề ra.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước và báo cáo Quốc hội trong năm 2017.

Thứ tư, đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát lại tất cả các quy hoạch có liên quan tới giao thông và chống ngập úng...

Thứ năm, đề nghị Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình giám sát đang thực hiện, đồng thời trong năm 2017 sẽ triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 cần căn cứ vào kế hoạch 5 năm

Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày kế hoạch năm 2017 cần căn cứ vào Kế hoạch 5 năm (2016-2020) để tính toán, phân chia về chỉ tiêu. Không cần đề ra mục tiêu tổng quát cho từng năm vì hiện đã có mục tiêu tổng quát cho Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), bổ sung thêm một số chỉ tiêu về chất lượng như tăng trưởng xanh (phản ánh tăng trưởng gắn kết với bảo vệ, phục hồi môi trường), tiêu dùng cuối cùng về hàng hóa và dịch vụ (phản ánh mức sống người dân), tăng năng suất lao động xã hội.

Ủy ban Kinh tế nhất trí không đưa ra mục tiêu tổng quát cho từng năm nhưng phải có mục tiêu cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu tổng thể của 5 năm. Trong số 13 chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ trình, đề nghị cần báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của các chỉ tiêu tăng trưởng GDP (6,7%), tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội (31% GDP), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (6-7%), tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 3,5%) để bảo đảm phản ánh đúng tình hình Việt Nam... Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị bám sát Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; có Chương trình triển khai hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của 5 năm và xác định rõ trong năm 2017 sẽ làm được những gì; đồng thời đề xuất 11 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Cũng tại lễ khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội đã tiến hành quyên góp mỗi người tối thiểu 1 ngày lương ủng hộ góp phần giúp đỡ nhân dân vùng lũ lụt miền Trung sớm khắc phục hậu quả thiên tai, dần khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

* Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, chiều 20-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Hôm nay (21-10), các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo Vietnamplus.vn

;
.
.
.
.
.