Bà Lê Thị Nga cho biết cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.
Sáng nay (28-10), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.
Nhiều bản án nghiêm minh có tác dụng răn đe, ngăn chặn
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. |
Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cùng với đó, chính sách, pháp luật về PCTN được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa PCTN.
Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng cho biết, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến...
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác PCTN.
“Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém” – Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
“Cả họ làm quan nhưng vẫn đúng quy trình”
Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cho rằng, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ...
“Mới đây nhất cử tri có phản ánh có Sở 46 người nhưng có tới 44 lãnh đạo, chỉ có 2 chuyên viên. Thực trạng này gây nghi ngờ, bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng” – bà Nga nói.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
“Thực hiện kiến nghị này cũng đồng thời góp phần thiết thực vào việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII” – bà Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho biết, cho biết, Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
“Dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình” – bà Nga nói và cho biết một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo và có quy định nhằm ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu.
“Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói./.
Theo VOV