Chính trị - Xã hội

MẶT TRẬN GIÁM SÁT AN TOÀN THỰC PHẨM

Cần sự đồng thuận

10:26, 18/10/2016 (GMT+7)

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Năm 2016, Mặt trận các cấp tập trung vào giám sát về an toàn thực phẩm. Đến nay, tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ban hành chương trình phối hợp giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là nhiệm vụ mới, khó nhưng hết sức cấp bách, thiết thực, sát với đời sống nhân dân. Vì vậy, hoạt động giám sát an toàn thực phẩm của Mặt trận các cấp rất cần sức mạnh đồng thuận từ nhân dân.

Cảnh sát môi trường bắt giữ vụ mỡ bẩn lớn nhất Đà Nẵng vào tháng 5-2016. 					           Ảnh: NGỌC PHÚ
Cảnh sát môi trường bắt giữ vụ mỡ bẩn lớn nhất Đà Nẵng vào tháng 5-2016. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân cùng vào cuộc; trước hết nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: nông dân Đà Nẵng là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Đà Nẵng tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân thành phố.

Mặt trận các cấp phải làm sao để nhân dân nhận thức được người Việt Nam không được đầu độc người Việt Nam bằng việc trồng, chế biến và bán những hàng hóa, thực phẩm không an toàn. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến tương lai giống nòi. Nhân dân phải chủ động phản ánh, kiến nghị và phát giác về những hành vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại các khu dân cư đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phải chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, vận động các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các tổ chức thành viên của Ban công tác Mặt trận đẩy mạnh truyên truyền, vận động các gia đình đoàn viên, hội viên gương mẫu cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, người tiêu dùng thực phẩm an toàn. Nếu phát hiện hộ gia đình nào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn thì mạnh dạn kịp thời tố giác, đồng thời đề nghị không xét công nhận gia đình văn hóa.

 Vì vậy, để giám sát an toàn thực phẩm có hiệu quả, bên cạnh tăng cường sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp vào cuộc tích cực của các tổ chức thành viên, Mặt trận sẽ giám sát dựa vào sức mạnh đồng thuận của nhân dân. Mỗi người dân vừa là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, vừa là người tự giác tố cáo những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ngay tại cộng đồng dân cư. Mặt trận phải động viên, khích lệ để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, một giám sát viên, vừa tự mình cam kết không sản xuất thực phẩm không an toàn, đồng thời giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của cộng đồng. Có như vậy, việc giám sát về an toàn thực phẩm của Mặt trận các cấp mới đạt được kết quả như mong muốn.

PHẠM PHÚ BÌNH

.