.

Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân

.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ), nhất là ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-CX). Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, CNLĐ chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.         

Các hoạt động tập thể cho công nhân lao động sẽ diễn ra tại Phiên chợ công nhân.
Các hoạt động tập thể cho công nhân lao động sẽ diễn ra tại Phiên chợ công nhân.

Thiếu hụt thiết chế văn hóa

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, chỉ tính những nơi có tổ chức Công đoàn, có hơn 120.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); trong đó, tại các KCN-CX chiếm gần 50.000 CNVCLĐ với hơn 40% là lao động ngoại tỉnh. Vì hầu hết ở xa nên CNLĐ đến Đà Nẵng làm việc đều phải thuê nhà ở trọ, cuộc sống bấp bênh. Ban ngày, họ làm việc, tối về lo gia đình; rồi làm thêm, tăng ca, tăng giờ để có thu nhập, nên việc đến với các sân chơi văn hóa, giải trí rất hiếm hoi.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, không gian phục vụ đời sống văn hóa còn thiếu thốn nên chưa thu hút CNLĐ. Các cấp Công đoàn thành phố đã nỗ lực đầu tư, chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ với nhiều hoạt động như: đám cưới tập thể, sân chơi cuối tuần, tư vấn, tuyên truyền pháp luật, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao. Các thiết chế như Nhà Văn hóa Lao động thành phố, Trung tâm Văn hóa công nhân tại Hòa Khánh; 45 tổ công nhân tự quản khu nhà trọ với trên 5.300 CNLĐ được trang bị ti-vi, tủ sách pháp luật… đi vào hoạt động khá hiệu quả nhưng cũng chỉ là “hạt muối bỏ bể” so với lực lượng CNLĐ ngày càng gia tăng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Thực tế, khi đồng lương chưa lo đủ cuộc sống thì nhu cầu vui chơi giải trí cũng bó hẹp dần với CNLĐ. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, việc không để thiếu hụt các thiết chế văn hóa phù hợp tại các KCN khiến một bộ phận công nhân có nhận thức xã hội hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, tiếp cận thông tin chính trị - xã hội sai lệch, dễ sa vào tư tưởng tiêu cực, tệ nạn xã hội, là điều cần thiết”. Chỉ tiêu từ nay đến hết năm 2020, xây dựng ít nhất 2 nhà trẻ, 2 siêu thị mini và thêm 1 trung tâm văn hóa, thể thao dành cho công nhân KCN là quyết tâm của Công đoàn thành phố, bên cạnh việc chuyển đổi công năng của khu ký túc xá sinh viên phía tây thành chung cư cho thuê hoặc bán cho CNLĐ đã được UBND thành phố thống nhất chủ trương, chỉ còn chờ ý kiến của Chính phủ.

Háo hức chờ “Phiên chợ công nhân”

Trong kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN-CX”, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng tổ chức đối thoại với Ban điều hành các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu; triển khai 2.300 phiếu khảo sát nắm nhu cầu của CNLĐ tại các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Liên Chiểu, Thọ Quang, An Đồn về nhà ở, nơi gửi trẻ, mua bán tiêu dùng, đời sống văn hóa tinh thần, mô hình điểm vui chơi thích hợp cho công nhân. “Phiên chợ công nhân sẽ ra đời phiên đầu tiên vào tháng 11 đến. Gần 20 hoạt động sẽ đồng loạt diễn ra định kỳ hằng tháng, vào ngày nghỉ, phục vụ nhu cầu của CNLĐ. Biết là rất khó, nhưng khó mấy cũng phải làm, chứ cứ ngồi đó bàn thì biết đến bao giờ CNLĐ mới được thụ hưởng”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Dự kiến sẽ có khoảng 30 gian hàng tại “Phiên chợ công nhân”, trong đó kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị bán hàng giảm giá, khuyến mãi bảo đảm chất lượng; gian hàng giao dịch hàng đã qua sử dụng: vận động CNLĐ, người dân mua bán, trao đổi những vật dụng, hàng hóa đã qua sử dụng cho người có nhu cầu theo phương thức tự thỏa thuận; cắt tóc, dạy trang điểm miễn phí, dạy nấu ăn, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; hội thi tuyên truyền pháp luật; nói chuyện chuyên đề về kiến thức gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; dạy khiêu vũ; hội thi hát karaoke; hoạt động offline của các câu lạc bộ sở thích; chương trình “Điểm hẹn công nhân”; đám cưới tập thể; đào tạo, hướng dẫn lái xe an toàn; các gian hàng ẩm thực…

Trước câu hỏi về khó khăn trong công tác chuẩn bị, ông Đoàn Đức Phước, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tổ chức nhiều hội thao như bóng đá, cầu lông, bóng bàn... và các hoạt động câu lạc bộ như khiêu vũ, guitar, nhiếp ảnh, võ thuật... để phục vụ CNVCLĐ tại Nhà Văn hóa. Giờ đưa phiên chợ đến gần hơn với CNLĐ ở các KCN nên những ngày vừa qua, chúng tôi phối hợp cùng Công đoàn KCN-CX xuống tận nơi, làm việc với các chủ doanh nghiệp để vào nhà ăn của họ phát tờ rơi; dán áp-phích và băng-rôn ở những khu vực chính, dễ nhìn nhất trong KCN-CX, mở đĩa phát thanh thường xuyên vào giờ CNLĐ tan tầm để tuyên truyền nội dung các hoạt động sẽ diễn ra tại phiên chợ”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Hồng Phú, công nhân Công ty TNHH điện tử Việt Hoa nói: “Ban ngày làm xong, tối về lại lo gia đình, con cái, rồi tăng ca, tăng giờ nên có đi đâu được. Ngày nghỉ, anh em thường tụ tập cà-phê, nhậu nhẹt chứ cũng chẳng biết đi đâu. Cũng mong chờ phiên chợ xem có điều gì mới!”. Chị Dương Ngọc Lan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Valley View Việt Nam mong muốn: “Trong phiên chợ thấy có chương trình “Điểm hẹn công nhân”, hy vọng chương trình sẽ kết nối thông tin để lao động nữ có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho mình!”…

Bài và ảnh: NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.