.

Người giải việc khó

.

Nhìn lại hai thập kỷ qua, công việc khó nhất của Đà Nẵng là gì? Chắc đó là công cuộc giải tỏa, đền bù, tái định cư. Bởi lẽ, nó động chạm một cách mạnh mẽ nhất, trực tiếp nhất đến đời sống của nhân dân, từ làm ăn kinh tế đến thờ cúng tổ tiên, đến cả những mối quan hệ xóm làng, dòng tộc được thiết lập từ thuở xa xưa. Mấy câu chuyện liên quan đến công cuộc giải tỏa giáo xứ Cồn Dầu trong dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân, trong đó, ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, là người trực tiếp đối thoại, giải quyết hàng loạt công việc của nhân dân phần nào cho thấy cái tâm, cái tài của một vị lãnh đạo này, từ đó huy động được sức mạnh đồng thuận của nhân dân trong công cuộc kiến thiết thành phố.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh tham dự buổi họp tổ dân phố thường kỳ của bà con tổ 20, khu vực Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), năm 2010. Ảnh: MỸ HẠNH
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh tham dự buổi họp tổ dân phố thường kỳ của bà con tổ 20, khu vực Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), năm 2010. Ảnh: MỸ HẠNH

Có lần, tôi ghé phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Tại bàn tiếp khách, phía dưới tấm kính, có để mấy bài viết của tôi về dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân, đa phần là bài tường thuật, ghi chép về các buổi đối thoại của ông Nguyễn Bá Thanh với nhân dân giáo xứ Cồn Dầu. Ông Toàn bảo, để các bài viết như vậy cho người dân, khách khứa đọc, để họ thấy được nỗ lực của lãnh đạo thành phố đối với dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân…

Đó là một dự án rộng hơn 420ha, giải tỏa trắng 5 khu vực: Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh và Cồn Dầu. Trong đó, Cồn Dầu là giáo xứ toàn tòng. Khi thực hiện dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân, trong khi đa phần người dân ở các khu vực khác đều chấp hành chủ trương giải tỏa thì một bộ phận giáo dân Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời. Từ đây, Cồn Dầu trở thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Một bộ phận mưu toan cô lập Cồn Dầu với chính quyền. Thậm chí, nhiều người, công khai thách thức các lực lượng chức năng, tấn công, đe dọa những giáo dân khác ủng hộ dự án. Những hộ dân ủng hộ dự án phải sống trong cảnh bị cô lập, đe dọa. Có lần, một cháu bé đi học về đã bị một số đối tượng lấy dầu nhớt bôi vào quần áo, đầu tóc; có người đi lễ nhà thờ bị đánh, xé rách áo quần. Đỉnh điểm của vụ việc là tại một đám tang, một số đối tượng quá khích dùng dây sắt niềng quan tài lên xe bò, định đưa xe vào thành phố, gây náo loạn… Trong suốt thời gian dài, không một vị cán bộ nào nói chuyện được với giáo dân về dự án.

Trước những diễn biến phức tạp đó, với tư cách người lãnh đạo cao nhất thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh kiên quyết không dùng đến “giải pháp mạnh”, mà kiên trì đối thoại với nhân dân, chức sắc ở giáo xứ. Thậm chí, có lần, vào buổi tối, ông mang theo chai rượu, đến nhà một vị chức sắc chuyện trò, đàm đạo, nhưng vị này bảo… bận đi chợ; dù vậy, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn không nản, tìm mọi cơ hội đối thoại. Cho đến trước khi nhận nhiệm vụ mới (Trưởng ban Nội chính Trung ương ngày 28-12-2012), chúng tôi chứng kiến ít nhất 7 lần ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp đối thoại với người dân giáo xứ Cồn Dầu. Đấy là những cuộc đối thoại với đông đảo người dân, chứ còn đối thoại riêng với các vị chức sắc, chức việc ở giáo xứ thì còn nhiều hơn.

Ngày 16-9-2009, ở Hà Nội về, từ sân bay, ông Nguyễn Bá Thanh đi thẳng đến trụ sở UBND phường Hòa Xuân. Vừa ngồi xuống, ông thông báo ngắn gọn: “Tôi ở Hà Nội về là đến thẳng đây, đến 3 giờ chiều nay phải tiếp một đồng chí lãnh đạo cấp cao làm việc với thành phố, thời gian gấp gáp, eo hẹp nhưng hẹn bà con rồi là phải tới”… Tại buổi đối thoại, tuy chính quyền đã ra sức vận động, phát giấy mời đến hơn 400 hộ dân giáo xứ nhưng chỉ có vài người đi dự. Cả hội trường mênh mông là hàng trăm chiếc ghế trống. Trước cảnh ấy, không ít cán bộ, nhất là cán bộ địa phương tỏ ra ái ngại, nhưng ông Thanh dường như không nao núng, ông bảo: “Tổ chức ở phường bà con không chịu tới thì lãnh đạo thành phố đến tận nhà bà con đối thoại”.

Ngày 5-11-2009, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo tổ chức ngay gần cổng nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu. Lần này, quả nhiên đông nhân dân giáo xứ đến dự. Nhưng một bộ phận đến dự cũng có ý riêng. Khi chuẩn bị đối thoại, một bà cụ mang áo mưa, chống gậy đến trước mặt ông Nguyễn Bá Thanh… chửi đổng! Không quá lưu tâm đến tình huống đó, ông  Nguyễn Bá Thanh nói rõ quan điểm: “Bà con cứ nói thoải mái. Ai đề đạt gì thì cứ đề đạt.

Nói làm sao để xây dựng, để sớm ổn định cuộc sống”. Lập tức, ông T.V.L, lên tiếng: Làng Cồn Dầu có từ cách đây 135 năm. Các bậc cha ông đã lập làng, trồng cấy tự bao đời. Người dân Cồn Dầu toàn làm nông nghiệp, bây giờ giải tỏa biết lấy gì mà sống? Liệu giải tỏa rồi thì tệ nạn xã hội có phát sinh không? Đáp lời ông T.V.L, ông Nguyễn Bá Thanh tranh luận: Cồn Dầu 135 năm, còn giáo xứ Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã 200 năm rồi. Vậy tại sao Hòa Minh vẫn hưởng ứng chủ trương giải tỏa? Rồi các khu vực khác ngay sát Cồn Dầu, nằm trong dự án, như Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh, tại sao họ vẫn đồng ý giải tỏa?

Tiếp đó, một người khác lên tiếng, đặt ra vấn đề khá hóc búa: “Nhà tôi có cây mai cổ thụ, người ta trả rất nhiều tiền rồi mà tôi không bán, xem như báu vật của cha ông để lại. Bây giờ thành phố giải tỏa, áp giá đền bù theo quy định chỉ được vài trăm nghìn đồng. Như vậy có thỏa đáng không, có phải là ép dân quá hay không?”. Ông Thanh đáp: “Cây mai nhà ông quý giá cỡ nào? Liệu nó có quý hơn cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác hay không? Nếu ông không chịu giải tỏa cây mai thì cả một tuyến đường không thể hoàn thành. Một con đường không hoàn thành là cả một dự án mấy trăm héc-ta cũng không hoàn thành.

Dự án không hoàn thành thì Đà Nẵng phải mãi mãi dậm chân tại chỗ. Tui hỏi ông, cây mai của ông quý hay thành phố này quý? Còn về đền bù, đó là khung giá do căn cứ theo quy định của Nhà nước, được HĐND thành phố biểu quyết thông qua, áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không phải cho riêng ai. Ông thiệt thòi thì cứ đề nghị để thành phố xem xét hỗ trợ phần nào, chứ không thể đòi một cái giá của riêng mình...”.

Ngừng một lúc, ông Thanh nói tiếp: “Tôi hỏi ông, ai cũng nghĩ như ông thì làm sao có được Đà Nẵng như hôm nay? Chủ trương của thành phố là đời sống sau giải tỏa phải cao hơn trước giải tỏa, không để ai thiệt thòi cả, nhưng mỗi người cũng phải biết hy sinh một tí chứ. Cây mai nhà ông quý lắm, tôi biết, nhưng ông có thấy bà con ngay ở trung tâm tấc đất tấc vàng không, đất đai của họ cũng đắt đỏ, quý giá lắm chứ.

Vậy tại sao hồi giải tỏa đường Lê Đình Dương, Triệu Nữ Vương (nối dài) họ chấp nhận ra đi, lên tút Hòa Cường. Đường Lê Đình Dương giải tỏa trắng, không ai ở lại cả, kể cả gia đình của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Đi như thế, chẳng lẽ họ không biết gì à? Không phải đâu, người ta biết hết đấy. Họ biết rằng, hy sinh đời họ để con cháu họ có đời sống khấm khá, đàng hoàng hơn, hy sinh cái lợi ích cá nhân để cho cộng đồng này phát triển. Chính nhờ những con người như thế mà Đà Nẵng được như hôm nay đó!

Nói xong, ông Thanh hỏi lại: “Tui nói rứa đó, ông thấy răng?”. Người có cây mai quý, lúc đầu gay gắt, giờ lặng thinh.

Buổi đối thoại đó cứ như vậy diễn ra, một bên là người dân phản biện, một bên là ông Thanh giải đáp, nêu lý lẽ, bằng tất cả những ngôn ngữ bình dân, gần gũi nhất. Tôi quan sát thấy, không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ quan điểm chống lại dự án nhưng họ lại rất “khoái” nghe ông Thanh nói, nhất là trực tiếp tranh luận đến “nảy lửa” với ông bất cứ chủ đề nào…

Liên quan đến chuyện giáo xứ Cồn Dầu, có lần, ông Nguyễn Bá Thanh kể rằng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tỏ ra quan tâm đến chuyện này, đặt vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền. Ông Thanh bác ngay, đây là chuyện thực thi pháp luật chứ không phải vấn đề tôn giáo, nhân quyền gì cả. Để làm rõ vấn đề, ông Thanh đề nghị… tổ chức tranh luận công khai, trực tiếp với Đại sứ Mỹ. Nếu ông đại sứ đồng ý, hai bên sẽ mời các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế vào tường thuật buổi đối thoại cho cả thế giới xem!

Nhắc chuyện ông Nguyễn Bá Thanh với giáo xứ Cồn Dầu nói riêng, với cộng đồng giáo dân nói chung, chúng tôi có dịp chứng kiến buổi đàm đạo giữa ông Nguyễn Bá Thanh và ông Châu Ngọc Tri, Tổng Giám mục giáo phận Đà Nẵng. Hồi còn đương chức ở Đà Nẵng, vào dịp giáng sinh, ông Nguyễn Bá Thanh thường đến Tòa Giám mục thăm, chúc mừng các vị chức sắc và bà con giáo dân.

Bên ly rượu thánh, cùng những lời chúc tụng, ông Nguyễn Bá Thanh thường tranh luận khá thú vị. Trong một lần như vậy, ông Nguyễn Bá Thanh kể câu chuyện, đại loại thế này: Có một ông vua nọ chột một mắt, cụt một chân! Vua kêu toàn bộ họa sĩ trong vương quốc lại, ra lệnh: Ai vẽ được chân dung vua đẹp nhất thì được thưởng, bằng không chém bỏ.

Một họa sĩ tài năng tới, vẽ vua y như thật. Thế là vua ra lệnh trảm! Một họa sĩ khác, rút kinh nghiệm, vẽ nhà vua có đủ hai chân, hai mắt. Nhà vua cũng lệnh trảm! Lúc này, tất cả các họa sĩ trong vương quốc đều run sợ, không biết ngày nào đến lượt mình đây?... Thế rồi một họa sĩ trẻ xuất hiện! Anh ta vẽ nhà vua đang cưỡi ngựa giương cung lên bắn, tư thế rất uy dũng, cái chân cụt giấu ở bên kia hông con ngựa, còn con mắt chột thì nheo lại trong tư thế ngắm! Thế là nhà vua vô cùng đắc ý, thưởng cho họa sĩ vô số vàng bạc châu báu. Còn các họa sĩ khác trong vương quốc thì thở phào nhẹ nhõm vì thoát kiếp nạn kinh hoàng!

Ông Nguyễn Bá Thanh kết luận: Cuộc đời luôn đặt con người ta vào những hoàn cảnh, lựa chọn ngặt nghèo, khó khăn. Cái hay của con người ta là tìm ra lời giải để vượt qua. Ví như chuyện đất đai, giải tỏa ở vùng giáo cũng vậy, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nhưng nếu các vị chức sắc cùng với chính quyền quyết tâm tìm lời giải thì thể nào chẳng có!

Đến nay, phần nhiều những câu chuyện ở Cồn Dầu đã đi vào dĩ vãng. Tôi có nhiều dịp trở lại giáo xứ, gặp gỡ rất nhiều chức sắc, giáo dân, cán bộ địa phương ở nơi này, phát hiện ra rằng, ngay cả những người từng một thời phản đối quyết liệt dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân thì nay lại trở thành những người gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách.

Ví như chị N., một người từng xông vào xé áo một người ủng hộ dự án, nay lại là người được lãnh đạo phường Hòa Xuân giới thiệu để tôi tìm hiểu về một tấm gương người tốt, việc tốt…, và còn vô số câu chuyện vô cùng thú vị về sự đổi thay nữa mà tôi không thể nào kể hết trong bài viết này. Dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân giờ đây đã mở ra cả một không gian đô thị đầy hứa hẹn của thành phố Đà Nẵng. Tôi tin rằng, sự thành công ấy là nỗ lực của rất nhiều người, nhưng nhất định có một phần công sức rất lớn của ông Nguyễn Bá Thanh; và, ý nghĩa cũng như nhân quả của nó, hẳn không gói gọn trong một dự án.  

NGUYỄN LÊ


Đà Nẵng- dấu ấn 20 năm đổi mới xuất hiện khẩu ngữ dân gian “Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh”. Sự phát triển của thành phố đều có dấu ấn của vị lãnh đạo luôn “tư duy vượt trước” và nói và làm khác hơn.

Trên cương vị là người đứng đầu thành phố, ông đau đáu ước mơ đưa Đà Nẵng một thành phố trì trệ, nghèo khó thành “một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống”. Không có đường đi ông vạch ra đường đi; không có nguồn lực, ông tìm ra nguồn lực; ông lăn lộn giữa cuộc sống gian nan bề bộn với trái tim rực lửa, một tinh thần tận hiến.

Với ký sự “Người giải việc khó”, tác giả Nguyễn Lê hiểu khá kỹ nhân vật của mình, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh – một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân. Tác giả đã khắc họa được lý tưởng, ước mơ cao cả của nhân vật, đến những hoạt động cụ thể thường nhật, từ suy nghĩ về đường hướng phát triển thành phố, đến việc xử lý những vấn đề mắc mứu cụ thể. Bài viết lưu lại trong lòng người đọc hình ảnh của một vị lãnh đạo tận tụy, dân dã; canh cánh nỗi niềm, khao khát đổi thay cuộc sống nhân dân; một vị lãnh đạo mà tên tuổi gắn liền một giai đoạn phát triển rực rỡ của Đà Nẵng.

Nhà báo Quý Lâm
 

;
.
.
.
.
.