Những năm qua, cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, quận Hải Châu chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước đưa văn hóa truyền thống và hiện đại thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội.
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1998 (bên cạnh đình Nại Nam) phường Hòa Cường Bắc luôn được giữ gìn xanh-sạch-đẹp và trang nghiêm. |
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Hằng năm, vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, quận Hải Châu tổ chức lễ hội đình làng Hải Châu với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng cho người dân và du khách. Lễ hội này là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của biểu tượng đình làng, nơi thờ phụng Thành hoàng làng, thờ những người có công khai hoang lập ấp. Đồng thời, đây còn là dịp hội tụ những người con quê hương và đón những người con xa xứ trở về; giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc dân tộc, cùng một lòng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, cho biết lễ hội đình làng Hải Châu là một hoạt động văn hóa đặc sắc, vừa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vừa thể hiện những suy nghĩ, lối sống văn hóa, văn minh trong đời sống hiện đại. Bên cạnh phần lễ, các hoạt động thể thao như: kéo co, nhảy bao bố, hát bội, dân ca, múa rối nước… được tổ chức tại lễ hội này nhằm giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về việc kế thừa, giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị mai một bởi cuộc sống hiện đại. Từ năm 2015, quận Hải Châu kết hợp tuyên truyền nội dung Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” trong chương trình chung của lễ hội.
Hiện nay, trên địa bàn quận Hải Châu có 5 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, như: Thành Điện Hải, đình và nhà thờ chư phái tộc Hải Châu, Nghĩa trủng Phước Ninh, bia chùa Long Thủ, đình Nại Nam; 1 di tích cấp thành phố là đình Nại Hiên. Ngoài ra, còn có 13 di tích lịch sử-cách mạng được UBND thành phố đưa vào danh sách quản lý và 2 bia tưởng niệm. Theo ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu, trong những năm qua, những di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn quận được gìn giữ, tôn tạo, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Tại các di tích lịch sử-văn hóa, đến nay, đều đã được gắn bia đá trang trọng với nội dung văn bản sử liệu.
Giữ gìn, phát triển lối sống văn hóa, văn minh
Thông qua các hoạt động kỷ niệm, các lễ hội truyền thống, quận Hải Châu luôn hướng đến việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử của từng di tích, niềm tự hào với truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn quận. Đi liền với hoạt động bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, quận Hải Châu còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị thành những tiêu chí, những việc làm cụ thể, thiết thực; từng bước làm khởi sắc nếp sống văn hóa, văn minh trong cư dân đô thị.
Theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu, bên cạnh việc chú trọng phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, quận Hải Châu luôn xác định việc thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai thực hiện luôn hướng vào trọng tâm, trọng điểm và các đợt cao điểm, phù hợp với đặc thù từng địa phương trên địa bàn quận. Các ngành, các cấp của quận đã tập trung tuyên truyền, nâng cao vai trò giáo dục trong nhà trường, tác động mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên; chú trọng đến người dân nhập cư, đặc biệt là công nhân và người lao động tự do, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao ý thức chung tay xây dựng quận Hải Châu và thành phố văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ