Chính trị - Xã hội
Rút dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến đầu tư, kinh doanh
* Đại biểu Quốc hội có thể giơ biển tranh luận
Sáng 18-10, phát biểu bế mạc phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sau gần 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương (đợt 1 từ ngày 3 đến 6-10; đợt 2 từ ngày 17 đến 18-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình của phiên họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án luật và hồ sơ liên quan để gửi tới các vị đại biểu Quốc hội kịp phục vụ cho kỳ họp thứ 2.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án luật này nếu căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian và chất lượng chưa đạt. Đồng thời, theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thủ tục rút gọn cũng quy định rất chặt chẽ. Nhưng những vấn đề Chính phủ nêu trong dự án Luật này (một luật sửa ba luật) có các vấn đề chưa phải cấp bách.
Nhiều nội dung nếu Chính phủ hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng thì sẽ giải quyết được những vấn đề cần sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa ba Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng chỉ mới có hiệu lực thi hành được hơn một năm và chưa thấy có vấn đề gì vướng mắc quá lớn. Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Những ý kiến đó nếu không được xem xét một cách thận trọng thì không những không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà còn gây lên cản trở cho doanh nghiệp. Từ những lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện tiếp vì chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo phải khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ Nghị quyết theo quy định; làm rõ phạm vi, nội dung của dự thảo Nghị quyết để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
* Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đang suy nghĩ tiếp tục đổi mới nâng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp. Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho hay, trong quá trình thẩm tra sẽ mời các đoàn chuyên trách để cùng nhau cho ý kiến về các dự án luật. Quốc hội cũng sẽ tranh thủ tham khảo ý kiến chuyên gia. Đối với luật nào còn ý kiến khác nhau Quốc hội sẵn sàng tiếp tục lấy ý kiến.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, theo dự kiến, Quốc hội kỳ này tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Điểm mới của kỳ họp này là trong phát biểu tại hội trường sẽ tạo điều kiện tranh luận, đồng thời mời cơ quan trình báo cáo cùng bộ trưởng cùng trả lời đại biểu để làm sáng tỏ thêm các nội dung. Về việc thiết kế cho đại biểu tranh luận, ông Phúc cũng cho biết, ngoài việc đăng ký, đại biểu có thể giơ biển tranh luận nhằm tăng điều kiện thảo luận tại hội trường. Bên cạnh đó, nếu việc thảo luận vào buổi sáng thì các đại biểu còn lại sẽ đặt câu hỏi để thành viên chính phủ trả lời trực tiếp. Nếu trả lời chưa hết các ý của đại biểu thì cho phép trả lời bằng văn bản. “Đây là việc làm được luật cho phép”, ông Phúc cho hay.
Theo TTXVN và VOV