.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực của nền kinh tế với những đóng góp to lớn vào thành tựu của đất nước. Vì vậy, Nhà nước (NN) cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có chương trình hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp (DN) mới thành lập.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí (trái) phát biểu tại hội thảo.  							  Ảnh: HOÀNG HÂN
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÂN

Đó là những nội dung chính được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề “KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 29-10. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Phạm Tất Thắng đồng chủ trì hội thảo.

Luật phải “thẩm thấu” vào DN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nhận định: Những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành, sát cánh với DN; có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Nhờ đó, số lượng DN trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Lũy kế đến tháng 9-2016, trên địa bàn thành phố có hơn 18.000 DN với tổng số vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 89.000 tỷ đồng.

Hội thảo lần này là dịp để thành phố lắng nghe ý kiến của các đại biểu, những cách làm hay và sáng tạo của các tỉnh, thành phố cả nước, những vấn đề còn vướng mắc trong việc hỗ trợ DN; từ đó hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách phát triển KTTN, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hiện nay, DN tư nhân chiếm 95% tổng số DN ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thực sự trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Song, theo ý kiến của các đại biểu, KTTN vẫn chưa phát huy hết vai trò động lực, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Hiện nay, hầu hết các DN thuộc khu vực KTTN có quy mô nhỏ và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền; hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động thấp. Tiềm lực khoa học công nghệ, trình độ phát triển lực lượng sản xuất của khu vực KTTN chưa cao.

Số lao động làm việc tại các đơn vị KTTN chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Nhiều DN thuộc khu vực KTTN chưa tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ về luật pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như chưa chấp hành quy định về đăng ký kinh doanh, sở hữu trí tuệ, chế độ bảo hiểm, tiền lương, hợp đồng lao động, bảo hộ và an toàn lao động; tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép diễn ra tràn lan gây thất thu cho Nhà nước. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất cần có chính sách cho khu vực KTTN, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII để DN yên tâm phát triển.

Tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Các đại biểu cho rằng, khi điều kiện về vốn đầu tư công còn hạn hẹp, đất nước ta bước vào giai đoạn triển khai thực hiện các hiệp định thương mại và triển khai các cam kết kinh tế trong khuôn khổ WTO, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN thì việc khuyến khích phát triển mạnh KTTN càng trở nên quan trọng để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là cần có giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của các hội và hiệp hội làm chỗ dựa vững chắc cho DN. “Hiện nay, vai trò của các hội và hiệp hội khá mờ nhạt, trở thành rào cản lớn nhất đối với KTTN. Nhiều hội và hiệp hội chỉ đại diện cho bộ máy của Nhà nước chứ không đại diện cho tiếng nói của DN”, đại biểu Trương Phước Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam nhìn nhận.

Nhiều đại biểu đề xuất Nhà nước cần tăng cường đối thoại với DN một cách thân thiện và gần gũi để giải quyết kịp thời những khó khăn và vướng mắc của DN. Việc tạo phong trào khởi nghiệp lan rộng trong khu vực KTTN cũng cần được khuyến khích nhằm tạo một cộng đồng DN phát triển bền vững, hỗ trợ và liên kết với nhau để vươn ra thị trường quốc tế.

* Tiến sĩ Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương:

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi doanh nghiệp (DN) tư nhân cần tự thân vận động để khẳng định vai trò của mình trên thương trường, nhưng phía Nhà nước cũng cần tạo môi trường, phải là “bà đỡ” cho DN. Nhà nước phải để cho DN tự chủ động trong cuộc chơi của thương trường, không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. Nhưng để làm được điều đó, DN cần một không gian chính sách an toàn và quyết liệt, các cơ chế và chính sách của Nhà nước phải vừa tầm với DN, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Nhà nước cần hướng đến việc chuẩn hóa thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn hội nhập, tạo môi trường kinh doanh minh bạch để DN phát triển. Những điều này nếu không được cải thiện sẽ dần triệt tiêu ý chí và tinh thần của các DN, làm DN mất cơ hội tham gia thị trường lớn trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

* Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bình Vinh:

Trước năm 2014, thành phố Đà Nẵng có nguồn thu ngân sách chủ yếu từ quỹ đất. Trong năm 2014, với chương trình hành động “Năm Doanh nghiệp” được chính quyền thành phố phát động, nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng có sự đóng góp trên 60% của DN thuộc khu vực KTTN. Chúng tôi sẵn sàng tham gia các nguồn quỹ của thành phố hỗ trợ DN vay vốn làm ăn nhưng các “kênh” này phải cụ thể hóa đến từng DN. Hiện nay, các thông tư hướng dẫn DN vay vốn từ các nguồn quỹ của thành phố đều dành cho những DN tốt nhưng những DN này hầu hết đều đã vay từ ngân hàng. Vì vậy, cần chỉnh sửa thông tư để DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận được.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.