.

Triệu phú vườn tường

.

Sở hữu công ty riêng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng chẳng bao giờ thấy anh “ra dáng” giám đốc. Trước mặt mọi người luôn là một Nguyễn Văn Thanh (30 tuổi, quê Tiên Phước, Quảng Nam) khi hì hục cuốc đất, khi “bắt bệnh” cho cây, có khi lại đang nghiên cứu cách thiết kế công trình nào đó.

Anh Nguyễn Văn Thanh bên mô hình vườn tường.
Anh Nguyễn Văn Thanh bên mô hình vườn tường.

Thanh “khùng” yêu cây

Tốt nghiệp đại học chính quy ngành Công tác xã hội, từng làm cho các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, nhưng tình yêu cây cỏ thôi thúc anh Thanh... bỏ những công việc được cho là “ngon lành” để xin vào làm nhân viên một công ty cây xanh ở Đà Nẵng khiến nhiều người cho rằng anh “bị khùng”. Ở công ty mới, anh Thanh vừa làm tốt vai trò trong mảng kinh doanh, vừa theo chân công nhân đi đến từng con đường, góc phố để học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây.

Có chút kiến thức, anh về nhà thực hành trên chính khoảng đất bé tí trước phòng trọ và lấy cây chuỗi ngọc làm “chuột bạch”. Từ một cái cây khô quắt queo bị vứt ngoài đường, dưới bàn tay anh, cây không những trở nên tốt tươi mà còn được khách đến hỏi mua.  

Đầu năm 2010, anh Thanh cùng hai người bạn đứng ra lập công ty chuyên trồng và cung cấp cây xanh cho các công trình, nhưng chỉ tồn tại được 6 tháng thì phá sản!

Tay trắng lại hoàn trắng tay, anh đem hết máy móc, thiết bị về phòng trọ bắt tay làm lại từ đầu và kiêm đủ thứ chức danh: giám đốc, kế toán, nhân viên, công nhân. Mỗi lần có đơn hàng, dù xa xôi, dù chỉ một, hai cây, anh cũng tức tốc lên đường thực hiện. Dò dẫm làm lại từ đầu, anh Thanh còn phải đối mặt với nỗi lo toan của một trụ cột gia đình khi vợ bụng mang dạ chửa phải đi làm từ sáng đến tối trong khi chồng ngồi nhà vì đơn hàng khan hiếm.

Vừa bán cây, anh Thanh vừa bán phân bón hữu cơ do chính mình làm ra từ trấu, xơ dừa, phân bò... Khoảng tháng 8-2012, anh nhận hợp đồng đầu tay là 9.600m2 trồng cỏ lá gừng cho sân bóng mini ở Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Địa điểm thi công quá xa, anh gần như sống luôn ở công trình nên đen nhẻm, ốm nhom. Công trình có tổng kinh phí 150 triệu đồng, trong đó anh thu lợi được 40 triệu đồng. Anh Thanh ngẫm lại: “Khi thất bại, mình mới hiểu ra một điều là cái gì cũng phải từng bước, không thể trước khi tập bò mà lại tập chạy. Thời điểm mở công ty, tôi đã tập chạy trước. Bây giờ, tôi đang quay lại tập bò”.

Mang vườn vào nhà phố

Sau thành công của dự án đầu, anh Thanh dần tạo dựng được uy tín, có nhiều đơn hàng hơn. Nhận thấy người dân thành thị ngày càng “khát” cây do diện tích nhà ở hạn hẹp nên anh “lái” hướng kinh doanh theo mô hình vườn tường - kiểu vườn thẳng đứng, “mọc” ra từ những bức tường nơi phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ.

Ở thời điểm đó, năm 2013, vườn tường vẫn còn mới mẻ nên anh phải tìm các nguồn tài liệu nước ngoài hướng dẫn cách thiết kế, thi công cho đến giới thiệu các loại cây có thể làm vườn tường. Khó khăn nhất là khâu chạy hệ thống tưới nước tự động của những khu vườn nội thất (ở hoàn toàn trong nhà) khi phải canh nước chảy vừa đủ, không tràn ra ngoài, vừa chạy đúng theo lịch hẹn.

“Để một khu vườn hài hòa, mang tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải có “gu”, biết cách bố trí màu sắc từng loại cây sao cho phù hợp, không bị chỏi. Các cây còn phải bổ trợ, tương sinh nhau trong quá trình phát triển”, anh Thanh chia sẻ.

Mỗi mét vuông vườn tường có giá dao động trên dưới 2 triệu đồng. Đến nay, anh Thanh đã thi công được nhiều công trình nhà hàng, khách sạn, khu đô thị cao cấp ở khắp các tỉnh, thành.

Trên diện tích 6.000m2 của Công ty Hoa Sen Việt do anh Thanh làm chủ có hàng trăm loại cây khác nhau. Từ cây công trình, cây hoa cảnh, cỏ công nghiệp đến mô hình vườn tường, vườn rau sạch trên sân thượng dành cho các hộ gia đình... Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, anh Thanh thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận.

“Từ bé, ước mơ của tôi vẫn luôn là có gạo ăn thay những bữa khoai, sắn triền miên. Thế nhưng, cũng chính trong những tháng ngày đói kém ấy, tình yêu với cây cỏ đã giúp tôi tìm thấy niềm vui. Giữa tôi và cây dường như được gắn kết bởi một sợi dây vô hình nào đó”. (Anh Nguyễn Văn Thanh).

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.