Sáng 26-10, bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen chứng kiến lễ ký bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương. (Nguồn: TTXVN) |
Lễ ký có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen cùng đông đảo Lãnh đạo các Bộ, ngành Việt Nam và Campuchia.
Thông qua những ưu đãi mà hai nước dành cho nhau trong Bản thỏa thuận, các doanh nghiệp của mỗi nước sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận thị trường của nhau. Đặc biệt, các ưu đãi mà Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác, do đó sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường Campuchia.
Theo Bản Thỏa thuận này, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Ngược lại, việc dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, chanh, thóc gạo, bánh gato, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch), sản phẩm nhựa, sách vở, vải dệt, xe đạp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Bên cạnh đó, việc ký Bản Thỏa thuận cũng sẽ góp phần triển khai Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Campuchia nhân chuyến thăm Campuchia từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian tới./.
Theo Vietnam+