.

Xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường của Nhà nước

.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các tờ trình về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Trong đó, tờ trình về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) nêu sau hơn 6 năm thi hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đọc tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ mục tiêu của việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là nhằm hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

Dự thảo Luật có 9 chương, 78 điều, (so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều).

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng giải quyết bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo luật cần xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường; các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường cần bảo đảm đơn giản, thuận tiện, chặt chẽ, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc lựa chọn hình thức giải quyết yêu cầu bồi thường, cần nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án hoặc giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này. Quy định này mới tạo cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thể hiện đúng tính chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.