Phần trả lời của hai bộ trưởng trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 16-11 đã bao quát được các vấn đề, dám nhận nhận trách nhiệm về mình, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để hành động. Đó là nhận định chung của đa số đại biểu bên hành lang Quốc hội về phần trả lời của các bộ trưởng trong phiên chất vấn sáng 16-11.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Các Bộ trưởng rất thấu hiểu tình hình thực tế, thuyết phục nhiều đại biểu thông qua các câu trả lời. Đa phần các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã được hai Bộ trưởng giải đáp được. Tuy nhiên, vì thời gian hạn hẹp, các Bộ trưởng cũng chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của các đại biểu. Mặc dù vậy, hơn 80% đại biểu cũng thỏa mãn với câu trả lời của các bộ trường, đặc biệt phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trườngTrần Hồng Hà đã giải đáp được những vấn đề bức xúc của người dân, có lý lẽ thuyết phục”.
Trong phiên chất vấn sáng 16-11, có tới 56 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, điều đó cho thấy giáo dục, đào tạo là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm từ phía đại biểu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Bộ trưởng từng là Giám đốc Đại học Quốc gia, nhà giáo lâu năm nên những vấn đề đặt ra với ngành giáo dục bộ trưởng rất hiểu. Do vậy, việc giải trình của Bộ trưởng đã bao quát được các vấn đề và cũng dám nhận trách nhiệm về mình, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc tổ chức quy hoạch lại hệ thống giáo dục, giải quyết tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp…”
Bên cạnh đó, theo ông Ngân, phải nhìn nhận và giải quyết vấn đề giáo dục phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Khi kinh tế vực dậy thì số lượng lao động sẽ tăng lên. Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam bị tác động bên ngoài, tăng trưởng 5,91% là giai đoạn thấp nhất trong suốt 30 năm qua, nên việc làm cho sinh viên ra trường cũng bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn này, các nước khác cũng thất nghiệp cao, nhiều lao động còn trở về Việt Nam xin việc làm. “Cách đây 4-5 năm sinh viên ngân hàng ra trường thất nghiệp nhiều, nhưng khi các ngân hàng cơ cấu lại thì nhiều sinh viên lại có việc làm” ông Ngân nói.
Ngoài ra, ông Ngân cho rằng, các giải pháp đưa ra của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là khả thi, đặc biệt việc quy hoạch các trường đại học, quy định chỉ tiêu của các trường đại học. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội để phân bổ chi tiêu phát triển hệ thống trường đại học hợp lý. Đặc biệt là kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường đại học mới thành lập. Nếu không đảm bảo thì có thể làm phân hiệu của các trường đại học lớn.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, Bộ trưởng nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng đã nắm chắc lĩnh vực của mình trên tất cả các bậc học, ngành học và nhiệm vụ của Bộ. Cách trả lời của Bộ trưởng có những con số minh họa cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận những trách nhiệm của ngành giáo dục, cá nhân bộ trưởng. Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, bộ trưởng cũng nêu được các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục.
BÁO TIN TỨC