Làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung vào chiều 31-10 tại Hà Tĩnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu 4 địa phương tập trung quyết liệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm và năm sau. Nếu xảy ra chậm trễ, gian dối trong kê khai, sẽ xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục sự cố và khôi phục sản xuất cho nhân dân. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như hỗ trợ gạo (cấp không thu tiền cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng gần 25.000 tấn gạo), hỗ trợ tiền với việc tạm ứng 70% số kinh phí Trung ương cho ngư dân các tỉnh…
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại; áp dụng định mức, tính toán giá trị thiệt hại, niêm yết công khai, hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của nhân dân. Đến ngày 28-10-2016, 3 tỉnh đã thực hiện việc báo cáo áp giá/định mức bồi thường để tính thiệt hại theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về xử lý hải sản tồn kho, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương giải quyết ngay hàng hải sản tồn kho trong các kho lạnh, kho cấp đông tại 4 tỉnh miền Trung (khoảng 5.369 tấn). Tuy nhiên, việc này chưa có chuyển biến tích cực vì các chủ hàng chưa nhất trí bồi thường 70% giá trị hàng không đạt yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm, chưa có định mức bồi thường và chưa rõ biện pháp tiêu thụ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh nêu lên những thắc mắc lớn nhất của người dân, chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung định mức xem xét bồi thường, hỗ trợ cho bà con, như người nuôi tôm chân trắng, nuôi cá nước ngọt dùng thủy sản làm thức ăn, nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá, cửa sông, cửa biển… Các tỉnh đề nghị việc xác định giá trị bồi thường cho người dân cần tích cực triển khai để giải ngân ngay trong tháng 11-2016, giúp bà con có vốn khôi phục sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, ổn định sản xuất. “Người dân bức xúc kiến nghị lên tỉnh, huyện liên tục trong việc xác định định mức bồi thường và đối tượng sao cho thỏa đáng, khách quan, công bằng. Ngay nhà tôi, sáng sớm đã có người đến trình bày, gửi kiến nghị rồi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn giải trình.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong việc xác định bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tập trung quyết liệt để giải quyết các vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ nay đến cuối năm và sang năm sau. Nếu để xảy ra chậm trễ, gian dối trong kê khai, sẽ xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ.
Các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương của Chính phủ trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, khẩn trương tổ chức chi trả cho người dân đúng đối tượng, khách quan, minh bạch, công bằng và thỏa đáng. Đối với việc bổ sung thêm định mức và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, các địa phương cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, báo cáo Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngay trong tháng 11-2016, Bộ Công thương có trách nhiệm phân phối, tiêu thụ những hàng hải sản đủ tiêu chuẩn sử dụng an toàn của các hộ kinh doanh trên địa bàn 4 tỉnh, Nhà nước hỗ trợ tiền điện và lãi vay ngân hàng cho các hộ kinh doanh nói trên…
Theo chinhphu.vn