.

Chủ tịch nước bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ

.

Theo Đặc phái viên TTXVN, sáng 25-11 theo giờ địa phương (trưa cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã tới thủ đô Antananarivo của Madagascar, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 (từ ngày 26 đến 27-11) theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Madagascar Hery Rajaonarimampianina và phu nhân.

Thủ tướng Madagascar Olivvier Solonandrasana đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay quốc tế Ivato. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Thủ tướng Madagascar Olivvier Solonandrasana đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay quốc tế Ivato. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ra đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân tại sân bay quốc tế Ivato có Thủ tướng Madagascar Olivier Mahafaly Solonandrasana, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Madagascar Eric Nazaraly và phu nhân, Đại diện Ban tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, Đại diện cá nhân của Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Lê Hồng Phấn, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar Nguyễn Văn Trung.

Quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng cải thiện và phát triển.

Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám và kỹ thuật.

Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển.

Với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 vào năm 1997 tại Hà Nội, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa-ngôn ngữ và giáo dục-đào tạo.

Việt Nam tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, tài chính cho đến điều chỉnh nguồn lực cho các lĩnh vực giáo dục và phát triển.

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng Pháp ngữ tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ ba nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011 và 2013-2015), Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc Hội đồng thường trực Pháp ngữ hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của Hội đồng thường trực Pháp ngữ (2013-2015) và là thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017), Chủ tịch Vùng châu Á​-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017...

Những năm gần đây, OIF và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án chính là đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp, tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á, thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế, đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam từ tháng 5/2013, thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ tháng 4/2014.

Tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, Đại diện cá nhân của Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Lê Hồng Phấn; Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar Nguyễn Văn Trung./.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.