Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều 17-11 (theo giờ địa phương), tức sáng 18-11 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Lima (Peru), bắt đầu chuyến tham dự tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Lima, Peru, từ ngày 17 đến 20-11 theo lời mời của Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay quân sự số 2 ở thủ đô Lima (Peru). Ảnh: TTXVN |
APEC 2016 là năm đầu tiên triển khai nhiều chiến lược dài hạn về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác dịch vụ.
Dưới chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”, Năm APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy 4 ưu tiên chính: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển vốn nhân lực.
Trong 18 năm qua (từ khi tham gia APEC năm 1998), Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp vào hợp tác APEC.
Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với thành công của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hợp tác APEC.
Năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ sáu về Phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, chủ trì đề xuất và triển khai trên 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối phó tình trạng khẩn cấp, y tế, an ninh lương thực, chống khủng bố… Việt Nam cũng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác của APEC.
TTXVN