.

Chuyên gia quốc tế dự đoán xu thế vận động tình hình Biển Đông

.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tám về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 14 đến 15-11-2016.

Bên lề hội thảo, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số học giả, chuyên gia quốc tế về dự đoán xu thế vận động của tình hình Biển Đông thời gian tới.

Quang cảnh phiên thảo luận thứ 4 của hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tám về Biển Đông. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Quang cảnh phiên thảo luận thứ 4 của hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tám về Biển Đông. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Dự đoán xu thế tình hình Biển Đông

Đánh giá tác dụng của luật pháp quốc tế trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết của vụ kiện Philippines-Trung Quốc tại Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, ông Michael McDevitt, Chuẩn Đô đốc về hưu, Nghiên cứu viên cấp cao, Chương trình Nghiên cứu Chiến lược, Trung tâm Phân tích Hải quân (Hoa Kỳ) cho rằng, tình hình Biển Đông trong tương lai gần sẽ “yên ắng” và cơ bản ổn định.

Trên cơ sở đánh giá về những diễn biến gần ở Biển Đông, dự đoán xu thế vận động của tình hình Biển Đông trong năm 2017 và xa hơn nữa, giáo sư Stein Tønnesson, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế, Oslo (PRIO), Na Uy, phân tích: Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982(UNCLOS) có thể ảnh hưởng đến quan niệm về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn lực trên Biển.

“Theo tôi, Trung Quốc giờ đây nên từ bỏ quan niệm đó vì nó không được cộng đồng chấp nhận,” giáo sư Stein Tønnesson nói.

Liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài và tác động đối với quan điểm pháp lý của các bên tranh chấp, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) cho rằng, phán quyết giúp làm sáng tỏ hai khía cạnh quan trọng trong tranh chấp Biển Đông là yêu sách chủ quyền và vùng biển.

Đối với yêu sách chủ quyền, Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử với các vấn đề này và do vậy không thể đưa ra kết luận về các điểm mạnh, điểm yếu trong lập luận pháp lý về chủ quyền của các bên. Tuy nhiên, Tòa trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền xác định địa vị pháp lý của các đối tượng của yêu sách chủ quyền. Các kết luận này của Tòa trọng tài đã giúp xác định và thu hẹp đáng kể các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.

Phán quyết đã mở ra triển vọng về việc giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông thông qua các biện pháp pháp lý; giúp các bên tranh chấp khác cân nhắc về các lựa chọn khi sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Đề xuất định hướng góp phần ổn định tình hình Biển Đông

Khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh vai trò thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tiến sỹ Vladimir Evseev- Phó Giám đốc Viện các nước SNG-Liên bang Nga cho rằng, bất kỳ xung đột lãnh thổ nào cũng cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc giải quyết không đặt ra thắng lợi của một bên nào mà là xây dựng hệ thống an ninh khu vực trên cơ sở ổn định.

Ông Evan Laksmana, Phòng Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Indonesia) cho rằng, từ hội nghị ngoại trưởng ASEAN, hội nghị cấp cao ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á, nhiều nước thành viên ASEAN đều mong muốn vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài không phải là vấn đề duy nhất giữa A SEAN và Trung Quốc. Các nước ASEAN cho rằng quan hệ ASEAN và Trung Quốc phải là rộng hơn và có tính chiến lược hơn vấn đề Biển Đông, đồng thời t iếp tục có mối quan hệ với Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo tồn tại một cơ chế khu vực ổn định. Mục tiêu rõ ràng của ASEAN là kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông càng hòa bình càng tốt.

Cũng theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, những phân tích pháp lý và kết luận của Tòa trọng tài về các hoạt động diễn ra tại Biển Đông trong thời gian qua có thể giúp định hướng hành xử của các bên ở Biển Đông theo hướng có trách nhiệm và phù hợp với luật pháp quốc tế. Những định hướng này thực sự quan trọng, giúp ổn định trật tự trên Biển Đông và hơn nữa nhằm tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác có lợi ích tại Biển Đông theo quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Tiếp nối thành công của các hội thảo trước đó, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần này tiếp tục là diễn đàn uy tín để các học giả, luật gia trong và ngoài nước trao đổi, nghiên cứu, thảo luận và đề xuất các giải pháp cho vấn đề Biển Đông./. 

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.