.

Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới (1-1-1997 – 1-1-2017)

.

LTS: Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 ngày 6-11-1996 của Quốc hội, từ ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung tay góp sức, đoàn kết một lòng, đồng thuận, sáng tạo để xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị cấp quốc gia; với diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại; với đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; tạo tiền đề quan trọng và vững chắc để xây dựng một Đà Nẵng an bình, văn minh, hiện đại.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “Đà Nẵng, dấu ấn 20 năm đổi mới” giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng trong 20 năm qua; định hướng phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới.

Thành phố Đà Nẵng được tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương từ ngày 1-1-1997, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 ngày 6-11-1996 của Quốc hội khóa IX, đến nay tròn 20 năm. Sự kiện hành chính này mở đầu một giai đoạn phát triển đặc biệt, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: từ một thành phố thuộc tỉnh, thành phố Đà Nẵng (trực thuộc Trung ương) (1) đã nhanh chóng vươn mình thành đô thị loại I cấp quốc gia theo Quyết định số 145/2003/QĐ/TTg ngày 15-7-2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, qua đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông, tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.

20 năm qua, bên cạnh những thuận lợi hết sức cơ bản, nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là tranh chấp lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền quốc gia diễn ra ngày càng gay gắt, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, cùng với không ít khó khăn phát sinh từ trong thực tiễn... đã tác động bất lợi đến thành phố. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã phấn đấu xây dựng thành phố phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như trình độ, chất lượng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

I. THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 20 NĂM ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển.

Sau 20 năm, thành phố Đà Nẵng thật sự trở thành một đô thị có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước. Kinh tế hằng năm có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, mức tăng trưởng nhanh hơn ở mức 2 con số, bước vào nhóm các thành phố đang phát triển có mức thu nhập khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, một số lĩnh vực, một số mặt đã có vị trí cao so với cả nước, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 1997-2005 là 10,61%, từ 2006-2010 là 11,13%, do suy thoái kinh tế chung, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2010-2015 còn 9,71%/năm, nhưng vẫn đạt tỷ lệ cao hơn so với bình quân cả nước (2).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản giảm (3). Kim ngạch xuất khẩu tăng dần đều qua các năm, năm 1997 là 155 triệu USD, năm 2010 là 634 triệu USD đến năm 2015 đạt 1.295 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 1997 là 6.353 tỷ đồng, đến năm 2010 là 34.104 tỷ đồng và đến năm 2015 là 72.500 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 1997-2010 liên tục đạt và vượt dự toán, năm 1997 là 1.164,4 tỷ đồng, năm 2010 là 17.755,9 tỷ đồng, đến năm 2014 tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 20.092 tỷ đồng và năm 2015 là 21.426,9 tỷ đồng (4). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng dần qua từng năm với mức tăng bình quân là 9,4%/năm (5).

Những năm gần đây, Đà Nẵng có bước phát triển đột phá về du lịch, từng bước khẳng định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình. Năm 1997 chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng, đến nay thành phố đã có hầu hết các thương hiệu lớn như: InterContinental Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury...

Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hóa và có sức hấp dẫn, trở thành điểm đến thu hút khách như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC), Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, các khu nghỉ dưỡng biển... cùng với một số sự kiện đã trở thành những sản phẩm du lịch có giá trị nổi bật và thực sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế (6).

Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân thành phố và các địa phương lân cận; đặc biệt là góp phần phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chế biến thủy sản trên nhiều lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mới, phương thức quản lý, marketing (7)...

Các dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, tư vấn, bưu chính, viễn thông, y tế... phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, du lịch, đời sống và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống ngân hàng được mở rộng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Hạ tầng giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông phát triển nhanh, hoạt động vận tải phát triển khá, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.

(Còn nữa)


(1) Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính, gồm quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, huyện  Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

(2) RDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, năm 1997 chỉ 420 USD/người, năm 2000 đạt 460 USD (6,91 triệu đồng), năm 2010 xấp xỉ đạt 1.485 USD (40 triệu đồng), đến năm 2015 đạt 2.908 USD (62,65 triệu đồng), cao hơn so với mức bình quân chung cả nước và gấp gần 7 lần so với thời điểm chưa tách tỉnh.

(3) Năm 1997 cơ cấu dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp là: 55,1% -35,2% - 9,7%; năm 2010 cơ cấu là: 56,7% - 40,3% - 3,0%, năm 2015 là: 62,6% - 35,3% - 2,1%.

(4) Tính đến tháng 9-2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 50.036 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 905 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu là 808 triệu USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt gần 19.000 tỷ đồng.

(5) Năm 1997 chỉ với 1.625 tỷ đồng, năm 2000 là 2.359 tỷ đồng, năm 2010 là 22.380 và đến năm 2015 là 35.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 9-2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 23.143 tỷ đồng.

(6) Đến nay, thành phố có 76 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài và 59 dự án đầu tư trong nước. Nguồn doanh thu dịch vụ du lịch (khách sạn và lữ hành) tăng dần qua các năm, năm 1997 chỉ có 129 tỷ đồng, năm 2000 là 214 tỷ đồng, năm 2010 là 1.095 tỷ đồng và đến năm 2015 đạt 5.212 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2016 đạt 4.811 tỷ đồng. Số lượt khách lưu trú khách sạn tăng mạnh qua từng năm, năm 1997 với 159.000 lượt, năm 2010 với 1.358.000 lượt, năm 2015 là 3.336.000 lượt và trong 10 tháng đầu năm 2016 gần 4.000.000 lượt.

(7) Tính đến ngày 31-7-2016, Đà Nẵng đã thu hút được 417 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,674 tỷ USD, vốn thực hiện gần 2 tỷ USD.
 

;
.
.
.
.
.