Chúng tôi ngờ rằng, nếu chỉ nhìn thành phố Đà Nẵng trong phạm vi 20 năm trực thuộc Trung ương thì khó có thể diễn đạt hết nguồn cơn cũng như thành tựu của sự phát triển. Bởi vậy, trong bài viết này, chúng tôi chọn mốc thời gian xa hơn một chút, trước thời điểm 0 giờ ngày 1-1-1997 lùi về quá khứ, để biện giải cho điều chúng tôi tin chắc, rằng khoảnh khắc đó đã được đợi chờ từ nhiều thế kỷ.
Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng năm 1997. Ảnh: QUÁN CHÚNG |
Tầm 3 giờ sáng, chúng tôi đến đỉnh đèo Hải Vân. Bạn đồng hành của tôi là một đạo diễn cùng hai nhà quay phim. Các nhà làm phim muốn ghi lại hình ảnh đất trời Đà Nẵng nhìn từ đỉnh Hải Vân ngay trước khi mặt trời ló dạng. Tôi nhủ, ghi lại được cả âm thanh thì càng thêm thú vị, biết đâu có âm thanh nào đó liên tưởng đến tiếng rì rầm, cọc cạch của đoàn người vượt đỉnh Hải Vân trên hành trình về phương Nam thuở trước thì sao? Trong khi đạo diễn và quay phim đang xoay xở với hàng tá thiết bị, tôi tranh thủ tựa lưng vào bức tường gạch di tích Hải Vân Quan, để nghỉ. Bất giác ngửa mặt nhìn lên, trăng muộn lơ lửng lưng chừng trời. Gió từ vịnh biển thổi thốc lên đỉnh núi, phả vào mặt từng hồi mát rượi. Phía xa, Đà Nẵng lấp lánh ánh đèn như kết thành một dải với các vì sao xa tít tắp. Trong đầu bỗng nảy ra câu hỏi, phải chăng chúng tôi đang đứng trên dấu chân của vua Lê Thánh Tông 546 năm trước?
Năm 1470, cũng vào một đêm trăng thế này, từ đỉnh Hải Vân nhìn xuống vịnh biển, Lê Thánh Tông cảm tác mấy câu: Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền (tạm dịch: Trăng Ðồng Long ba canh đêm tĩnh/Thuyền Lộ Hạc năm trống gió thanh). Nhiều người tin rằng, Ðồng Long là tên vùng biển nam Hải Vân lúc ấy, tức là vịnh Đà Nẵng bây giờ; còn Lộ Hạc là tên nước Locac thuộc bán đảo Mã Lai ngày nay, người nước này hay đi thuyền đến buôn bán và đỗ lại trong vịnh. Lại có người nói, Lộ Hạc là loại thuyền nhỏ có mũi cao giống như đầu chim hạc, chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, truyền tin tức giữa các thuyền lớn… Thực tình, câu thơ hiểu thế nào mới chuẩn thì tôi chưa rõ, nhưng có một điều hiển nhiên có thể cảm nhận được, chính là cảm xúc của Lê Thánh Tông vào lúc bấy giờ. Câu thơ cảm tác trên đường chinh chiến nhưng không có lấy chút hơi hướng binh đao, lửa khói, hận thù…; trái lại, thấy phảng phất không khí hân hoan, rộn rã của lòng người trước cảnh nhộn nhịp của vịnh biển.
Cũng cần nói đôi chút về Lê Thánh Tông (1442- 1497). Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, có nhiều vị vua minh triết, nhưng dứt khoát Lê Thánh Tông đáng được coi là bậc nhất. Chính trong thời đại của mình, ông thiết lập nên nền quân chủ chuyên chế vào loại sớm nhất thế giới, với nền tảng là bộ Quốc triều Hình luật, còn gọi là Luật Hồng Đức. Dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông, nước Đại Việt đạt nhiều thành tựu rực rỡ, vượt xa trình độ nhiều nước thời bấy giờ. Với tầm vóc ấy, hẳn Lê Thánh Tông đã có thể dự cảm điều gì khi đứng trên đỉnh Hải Vân?
Phải chăng, vua đã dự cảm điều gì về mảnh đất này?
Nhưng sau Lê Thánh Tông, ít thấy ai nhắc đến mảnh đất Đà Nẵng với cái vẻ nhộn nhịp ấy. Phải đến khoảng đầu thế kỷ XVIII, mới thấy Đà Nẵng bắt đầu có những sự chuyển động, khi dần trở thành thương cảng thay thế vai trò của Hội An (Quảng Nam), có lẽ bởi Đà Nẵng có cảng nước sâu, đủ điều kiện để tàu thuyền phương Tây ra vào buôn bán, trao đổi, vả lại nhà Nguyễn cũng muốn tập hợp tàu thuyền phương Tây lại đây để dễ bề quản lý. Điều này có thể thấy rõ qua chỉ dụ năm 1835 của vua Minh Mạng: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán”. Cũng từ đây, Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất khu vực miền Trung.
Năm 1884, triều đình Huế ký với Pháp Hòa ước Patenôtre, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi An Nam. 5 năm sau, 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Tại đây, người Pháp xây dựng thành một đô thị theo kiểu Tây phương, cùng với Hải Phòng, Sài Gòn, trở thành trung tâm thương mại quan trọng ở Đông Dương. Lúc ấy, Đà Nẵng phần nào trở nên nhộn nhịp, có thể cảm nhận được qua mấy câu lưu truyền trong dân gian: Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn/Dưới sông tàu chạy trên đàng hỏa xa/Kho dầu Đồng Lợi ba-toa/Trường Lăng máy gạo bước qua chợ Hàn (ba-toa là phiên âm tiếng Pháp - abattoir, có nghĩa là lò sát sinh, giết mổ).
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận định: Ở những giai đoạn đầu của diễn trình phát triển, ở Đà Nẵng kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhưng có cơ sở nói rằng, ngay từ những thế kỷ xa xưa, Đà Nẵng đã có những yếu tố của kinh tế thương mại, cảng thị. Điều này có thể nhận biết phần nào qua hai câu thơ ứng tác của Lê Thánh Tông (Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền) cũng như khá nhiều tài liệu khác. Nhưng trải qua bao biến thiên lịch sử, Đà Nẵng phải đối mặt với sự ác nghiệt tột cùng của chiến tranh, giặc dã, dường như không có lấy một cơ may để phát triển, kể cả trong giai đoạn người Pháp xây dựng với tên gọi Tourane và sau này là người Mỹ…, bởi lẽ, đó là đô thị phục vụ cho công cuộc đô hộ và bòn rút, đô thị của những nhà tư bản, cung ứng hậu cần quân sự…, chứ chưa bao giờ là đô thị của dân nghèo, thợ thuyền… Ấy vậy, sức sống của kinh tế thương mại của nó lúc âm ỉ, lúc mạnh mẽ, tạo nên những nét tương đối khác so với những vùng quê trên dải đất miền Trung.
Sau ngày giải phóng, Quảng Nam-Đà Nẵng bắt tay vào công cuộc xây dựng lại quê hương. Dưới sự lãnh đạo của những nhà cách mạng uy tín, như Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Mai Thúc Lân…, Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã làm nên nhiều việc lớn. Ấy thế, bên cạnh những thành tựu, có lẽ, đã có một điều đáng tiếc, như các vị lãnh đạo sau này thừa nhận. Đó là khó khăn thời cuộc đã làm hạn chế tầm nhìn, cố giữ về mặt hành chính Đà Nẵng với Quảng Nam, vô hình trung biến Đà Nẵng thành một thành phố cấp huyện, mang gần như đầy đủ cơ chế, chính sách, kể cả kinh phí hoạt động của một huyện. Cái áo chật đó đã phần nào hạn chế sự phát triển của thành phố suốt 22 năm (1975-1997). Người Đà Nẵng vẫn chưa có cơ hội thực sự để kiến thiết thành phố của mình đúng với tầm vóc. Ông Hoàng Minh Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ phải thốt lên: Nếu không chia tách, Đà Nẵng chỉ là võ sĩ “múa gậy dưới gầm giường”! Còn nhà báo Vĩnh Quyền đưa tin: Toàn bộ ngân sách của Đà Nẵng không bằng kinh phí của Công ty Vệ sinh môi trường thành phố Hải Phòng!
Quay trở lại cuộc chuyện trò với nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, chúng tôi đề xuất, liệu có thể gọi Đà Nẵng là một đô thị “bẩm sinh”?, ông Tiếng e chừng không ưa lắm, nhưng cũng không hoàn toàn bác bỏ. Bởi lẽ, theo ông, nói tới Đà Nẵng là nói đến cả một vùng nông thôn Hòa Vang, cả vùng biển Hoàng Sa rộng lớn nữa, chứ không riêng gì một nhóm cư dân bên mé cửa sông Hàn. Nhưng dù gì, khi nghĩ về Đà Nẵng, điều trước tiên người ta hình dung cũng là một đô thị “đầu biển, cuối sông”. Có nghĩa là từ rất sớm, Đà Nẵng đã có giao thương, cảng thị, những nhân tố hàng đầu để nó vươn xa khi thời cơ đến. Thời cơ đó, khá muộn, phải băng qua cả một quãng dài lịch sử với vô số sự kiện lớn lao cho đến thời điểm ngày 1-1-1997 (xét cho cùng, cơ hội đến với một vùng đất thường phải chờ rất lâu, có khi đến hàng thế kỷ).
“Phải đến năm 1997, khi chính thức chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Đà Nẵng mới thực sự có cơ hội phát triển theo đúng nghĩa một đô thị”, ông Bùi Văn Tiếng quả quyết.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, người gắn bó cả đời với xứ Quảng, từ khi còn là cán bộ nằm vùng trong những năm chiến tranh, rồi trở thành cán bộ cốt cán của thành phố Đà Nẵng, giờ là học giả uy tín, nói với chúng tôi: Sau khi giải phóng, có một thời gian, ta vẫn giữ tư duy thời chiến, “thiết kế” các tỉnh rất rộng lớn. Một dải đất dài từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân là tỉnh Bình Trị Thiên, qua đèo thì đến Quảng Nam-Đà Nẵng, tiến vào nữa là Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định)… Trước lúc chia tách, Quảng Nam – Đà Nẵng có dân số hơn 2 triệu người, có đủ 3 vùng miền núi, nông thôn, ven biển, có những vùng rất nghèo. Trong lúc ấy có thành phố Đà Nẵng nhưng là thành phố trực thuộc tỉnh, không thể nào phát triển được. Phải chia để Quảng Nam phát triển theo quy luật của một tỉnh, và Đà Nẵng phát triển theo quy luật của một đô thị. Giờ đây nhìn lại, có nhiều điều đáng mừng, mừng nhất là Quảng Nam, chứ không riêng gì Đà Nẵng.
Chúng tôi nhẩm tính, từ năm 1470 khi Lê Thánh Tông ứng tác trên đỉnh Hải Vân đến trước 0 giờ ngày 1-1-1997 - thời điểm chính thức Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, vị chi đã mất đến 527 năm - dài hơn nhiều lịch sử một số quốc gia trên thế giới, thành phố này mới có một cơ hội lớn lao thực sự để thực sự làm chủ chính mình, thực sự phát huy vai trò địa chính trị, địa kinh tế với vai trò là đô thị - thương cảng quan trọng bậc nhất của đất nước và khu vực. Chúng tôi liên tưởng đến sự kiện ấy như có gì đó tương đồng với khoảnh khắc ngày 9-8-1965, Singapore chia tách từ Malaysia, từ đây mở ra một chương mới cho quần đảo này. Chính vào khoảnh khắc ấy, bỗng nhiên, người Đà Nẵng nhận thấy mình có cơ hội. Bất chấp cái khó khăn, cũ kỹ, nghèo nàn đang ngự trị nhiều nơi, từ những xóm làng miền núi Hòa Vang đến dãy nhà chồ dài bất tận bên bờ đông sông Hàn, đến năm 1997, người Đà Nẵng đã nghĩ nhiều hơn về những việc lớn.
Cũng bắt đầu từ 1997, những việc tưởng như không thể, đã trở thành hiện thực: Biến bán đảo Sơn Trà từ đất quốc phòng thành đất phát triển kinh tế, xây cầu bắc ngang sông Hàn, xóa sạch nhà chồ mở ra “mặt tiền biển” mênh mông cho thành phố, triển khai hàng loạt dự án mở đường, khai thác quỹ đất, cả thành phố gần như ở đâu cũng được chỉnh trang, giải tỏa, biến thành công trường khổng lồ chưa từng thấy, đổi thay nhanh chưa từng thấy, huy động nguồn lực đầu tư thực hiện an sinh xã hội, trong đó nổi bật nhất là chủ trương “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, một chủ trương đáng được xem là “không tưởng” nhưng giờ đây trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, xây dựng hàng loạt công trình lớn, thay đổi vĩnh viễn diện mạo đô thị...
Như vậy là, năm 1997, trước thềm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, người Đà Nẵng, những hậu duệ của người di cư từ đồng bằng sông Mã, cư dân ven biển bản địa, thương nhân người Hoa, thợ thuyền lĩnh hội tinh hoa phương Tây, những người từ khắp nơi đổ dồn về mảnh đất ven sông Hàn xây dựng ước mơ, hoài bão…, đã bắt đầu một cuộc kiến thiết mới, cuộc kiến thiết sẽ đưa họ trở thành những người tiên phong trong kỷ nguyên hội nhập, phát triển, hòa bình, thịnh vượng. Tất nhiên, họ đã và sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, kể cả vấp ngã, sai lầm, nhưng công cuộc kiến thiết ấy sẽ không dừng lại. Bởi lẽ, trong mỗi việc làm của thế hệ người Đà Nẵng hôm nay có sự thúc bách, dồn nén, tích tụ hằng thế kỷ, đó cũng chính là khát vọng, ý chí và lòng tự trọng của người Đà Nẵng trước các bậc tiền nhân, trước cơ hội mấy trăm năm mới có một lần. Bỗng nhớ mấy lời trong diễn văn kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, xin mượn để làm lời kết: Lịch sử vẻ vang và những ngày đang sống sôi động, hối hả không chấp nhận một Đà Nẵng chậm bước, một Đà Nẵng tụt hậu. Cuộc sống của nhân dân Đà Nẵng đang ra lệnh cho chúng ta. Tất cả thúc giục Đà Nẵng phải bứt phá đi lên…
Cái nhìn sâu sắc về quá khứ không chỉ cần thiết để hiểu hơn hiện tại và hình dung tương lai mà còn khơi dậy nguồn cảm hứng lớn lao: cảm hứng lịch sử. Phóng sự/ký sự chủ đề “đất nước con người” hay “một chặng đường phát triển”, như cuộc thi này hướng đến, thường sử dụng nghệ thuật đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại để nêu bật thành tựu hiện tại. Với “đề bài” dấu ấn 20 năm đổi mới của Đà Nẵng thì ký sự của Nguyễn Nguyên An dường như đi xa hơn so với yêu cầu khi dành phần lớn dung lượng bài viết cho quá khứ, dẫn bạn đọc ngược 546 năm về trước, tìm dấu chân Lê Thánh Tông trên đỉnh Hải Vân, khi đức vua lần đầu tiên ngắm nhìn vịnh Đà Nẵng ngày nay... Nhưng đó là cuộc đi xa có chủ đích. Nhà báo Vĩnh Quyền |
NGUYỄN NGUYÊN AN